Ngày xuất bản: 2019-11-15

Vai trò của vọng cổ nhịp 32 trong ca kịch cải lương

Đỗ Quốc Dũng
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6265
Tóm tắt | PDF (676.9K)

Tóm tắt

Vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu quan trọng và đặc biệt trong nghệ thuật ca kịch cải lương so với hàng trăm thể điệu khác trong cùng hệ thống, nếu không có nó thì cải lương khó thành công, nên trong giới đều khẳng định rằng: “phi vọng cố bất thành cải lương”. Bởi vì, vọng cổ nhịp 32 vốn mang tính chất kịch tính và những đặc điểm âm nhạc độc đáo, nên nó đảm nhận chức năng trong ca kịch bao quát rộng, có thể miêu tả tính cách nhân vật và tình huống kịch bất cứ ở dạng thể nào… Bài viết này giới thiệu vai trò của vọng cổ nhịp 32 trong ca kịch cải lương, nhằm góp phần nâng giá trị của thể điệu này trong loại hình ca kịch dân tộc.

Đo lường hiệu quả của sự tuân thủ nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông hộ trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng

Đỗ Minh Hoàng
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6531
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Sự tuân thủ nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là biến số quan trọng đối với hoạt động sản xuất rau vì nó liên quan đến mức độ an toàn, sức khoẻ con người, môi trường và hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính bình phương bé nhất từng phần (PLS-SEM) với phần mềm SmartPLS trên bộ dữ liệu 371 nông hộ nhằm đo lường sự tuân thủ nguyên tắc trong sử dụng thuốc BVTV của nông hộ trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự tuân thủ nguyên tắc trong sử dụng thuốc BVTV là 43,7%; và sự tuân thủ phụ thuộc vào các nhân tố như đúng liều lượng (0,301***), đúng lúc (0,173***) và đảm bảo an toàn (0,252***). Mặt khác, sự biến thiên trong hiệu quả sử dụng thuốc BVTV được giải thích bởi các nhân tố như sự tuân thủ, đảm bảo an toàn và trình độ học vấn của chủ hộ.

Khảo sát ảnh hưởng của các chất ổn định tới cấu trúc, màu sắc của sản phẩm sốt cà chua sấy dạng miếng

Nguyễn Thị Minh Thôi
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6519
Tóm tắt | PDF (1.2M)

Tóm tắt

Những sản phẩm cô đặc từ cà chua ở nước ngoài phát triển rất mạnh, tuy nhiên sốt cà chua sấy dạng miếng có thể sử dụng trong các sản phẩm hamburger, pizza…rất tiện lợi và tạo cảm giác thơm ngon cho người dùng thì chưa có trên thị trường. Để có quy trình chế biến sốt cà chua sấy dạng miếng với cấu trúc, màu sắc và chỉ tiêu cảm quan của sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các chất tạo cấu trúc pectin, carboxymethiylcellulose (CMC), xanthan gum, tinh bột biến tính (TBBT) được xác định qua các tỷ lệ khác nhau nhờ phương pháp đo cấu trúc, đo màu sắc sản phẩm và phương pháp đánh giá cảm quan. Kết quả cho thấy sản phẩm sử dụng TBBT có cấu trúc mềm nhất so với các chất còn lại. Màu sắc sản phẩm sau 14 ngày bị kích thích dưới điều kiện ánh sáng ở nhiệt độ 40  1oC cho thấy các chỉ số về màu sắc của sản phẩm giảm dần qua thời gian kích thích, trong đó mẫu sử dụng pectin là chất có khả năng giữ màu của sản phẩm tốt hơn so với các chất còn lại. Đánh giá cảm quan bằng phương pháp so hàng mẫu sử dụng TBBT cũng có độ mềm dẻo vừa phải nhất và các chỉ tiêu về màu sắc và cảm quan đều được đánh giá tốt. Vì vậy, chọn mẫu bổ sung TBBT (1%) cho quy trình chế biến sốt cà chua sấy dạng miếng.

Khảo sát yếu tố ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ nhũ tương sữa dừa đóng lon

Phạm Thị Hồng Thư, Nguyễn Trường Giang & Kha Chấn Tuyền
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6549
Tóm tắt | PDF (1.5M)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định chế độ đồng hóa, nồng độ hỗn hợp chất nhũ hóa sucrose ester và chất ổn định CMC và chế độ tiệt trùng đến tính ổn định của hệ nhũ tương sữa dừa. Sữa dừa được đồng hóa ở các tốc độ (0, 8000, 9000, 10000, 11000, 12000 vòng/phút) và thời gian (1, 3, 5, 7 phút) khác nhau. Hệ nhũ tương sữa dừa được ổn định bằng sucrose ester (0; 0,05; 0,1; 0,15 và 0,2%) và CMC (0; 0,4; 0,6; 0,8 và 1%). Sữa dừa đóng lon được tính toán chế độ tiệt trùng và thẩm tra sao cho đạt được giá trị tiệt trùng thương mại. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ nhũ tương sữa dừa ổn định (độ tách pha, kích thước và phân bố hạt) khi đồng hóa ở tốc độ 10.000 vòng/phút trong thời gian 3 phút. Sử dụng chất ổn định CMC 1% kết hợp với chất nhũ hóa sucrose ester 0,15% giúp cải thiện đáng kể tính ổn định của hệ nhũ tương. Chế độ tiệt trùng 121oC trong 31 phút đã được tính toán và thẩm tra đảm bảo an toàn về mặt vi sinh và peroxít, sản phẩm sữa dừa đóng lon có độ trắng và giá trị cảm quan cao.

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong du lịch và tác động của nó đến thái độ của du khách

Nguyễn Thúy Vy
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6535
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đang thu hút được sự chú ý của nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cũng như nhà nghiên cứu tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung phát triển ngành du lịch có trách nhiệm, du khách ngày càng đòi hỏi cao hơn ở doanh nghiệp sự đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Mục tiêu của nghiên cứu này là xem xét tác động của cảm nhận về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của du khách đến sự hài lòng và thái độ của họ đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Dữ liệu thu thập từ 300 du khách mua dịch vụ của các công ty du lịch trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh được sử dụng để kiểm định mô hình hồi quy. Kết quả cho thấy cảm nhận về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của du khách ảnh hưởng gián tiếp đến thái độ của họ đối với doanh nghiệp thông qua sự hài lòng và danh tiếng.

Triết lý giáo dục hiện sinh và quan niệm “thành nhân trước thành danh”

Võ Quốc Việt
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6332
Tóm tắt | PDF (901.1K)

Tóm tắt

Thực tế cho thấy sự nhầm lẫn giữa triết lý giáo dục và định hướng giáo dục cục bộ khá phổ biến. Từ việc phân biệt hai vấn đề này, chúng tôi xuất phát từ điểm nhìn của triết lý giáo dục hiện sinh như một hệ quy chiếu để cứu xét triết lý giáo dục “thành nhân trước thành danh”. Không chỉ dừng lại ở việc phác họa các vấn đề cơ bản của triết lý giáo dục hiện sinh, bài viết còn trình bày các phương thức khả dụng cho thực tiễn đào tạo nói chung. Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến các vấn đề như chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và vai trò của người học. Chung quy, mục tiêu đặt ra là có thể gợi mở thêm một vài vấn đề cần lưu ý trong bối cảnh giáo dục và đào tạo hiện nay.

Các yếu tố tài chính và phi tài chính ảnh hưởng đến tính độc lập của hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguyễn Vĩnh Khương, Đỗ Thị Thu Liễu, Trần Thị Phương Anh, Nguyễn Thị Mỹ Giàu, Nguyễn Mai Hân & Ngô Thị Kim Mơ
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6541
Tóm tắt | PDF (929.5K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp các bằng chứng thực nghiệm về mức độ ảnh hưởng của nhân tố tài chính và phi tài chính đến tính độc lập của hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Dựa vào dữ liệu từ 80 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 11 năm từ 2007 – 2017, bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm nghiên cứu kết luận rằng các yếu tố tài chính và phi tài chính có tác động đến tính độc lập của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu, khuyến nghị doanh nghiệp niêm yết nên có những chính sách quản lý công ty một cách hợp lý và hiệu quả, phù hợp với chính sách kế toán tại doanh nghiệp.

Quyền kiểm soát gia đình và chính sách cổ tức: Bằng chứng từ các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam

Nguyễn Bá Hoàng & Đinh Nguyệt Bích
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6546
Tóm tắt | PDF (748K)

Tóm tắt

Mục tiêu chính của bài nghiên cứu là kiểm tra tác động của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) trong giai đoạn từ 2009 – 2017. Vận dụng mô hình nghiên cứu tác động cố định (FEM)và phương pháp moment tổng quát (GMM) cho bộ dữ liệu bảng, kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ thuận chiều giữa quyền kiểm soát gia đình và chính sách cổ tức của các doanh nghiệp. Bài nghiên cứu này cung cấp cho các nhà đầu tư có một cái nhìn đúng đắn về mức độ ảnh hưởng của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam và cân nhắc khi tiến hành đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp này.

Tác động của các nhân tố nội tại và vĩ mô đến tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Nguyễn Bá Hoàng
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6547
Tóm tắt | PDF (830.6K)

Tóm tắt

Bài nghiên cứu tiến hành điều tra mối quan hệ giữa các nhân tố nội tại và vĩ mô đối với tăng trưởng tín dụng tại các Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng bốn phương pháp kinh tế lượng bao gồm: mô hình Pooled OLS, mô hình ảnh hưởng cố định (FEM), mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM) và mô hình ước lượng bình phương tối thiểu tổng quát (GLS) kết hợp dữ liệu bảng cân bằng của 23 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2010-2017. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng trưởng tín dụng có tương quan với các nhân tố nội tại và vĩ mô. Các phát hiện này hỗ trợ các nhà quản lý ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các NHTM Việt Nam trong tương lai.

Tác động của đặc điểm ban giám đốc và đặc điểm doanh nghiệp đến công bố trách nhiệm xã hội tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Nguyễn Vĩnh Khương, Trần Tử Hồ, Đinh Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Phương Ngọc, Nguyễn Phan Bảo Thi & Cao Thị Tú Uyên
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6542
Tóm tắt | PDF (946.8K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu liệu mức độ tác động của đặc điểm ban giám đốc và đặc điểm doanh nghiệp đối với việc công bố trách nhiệm xã hội tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Dựa vào dữ liệu của 30 ngân hàng thương mại Việt Nam chưa niêm yết hoặc đã niêm yết trên các sàn HOSE, HNX, OTC trong giai đoạn 2008 – 2017, bằng phương pháp nghiên cứu định lượng sử dụng phân tích hồi quy GMM, chúng tôi đã xác định được các nhân tố thuộc ban giám đốc và đặc điểm doanh nghiệp có ảnh hưởng đến công bố trách nhiệm xã hội tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu góp phần đưa ra cái nhìn tổng quan hơn cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp Nhà nước có định hướng phù hợp trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích công bố trách nhiệm xã hội.

Phong cách học tri nhận/ thi pháp học tri nhận: Nơi giao cắt của ngôn ngữ học, nghiên cứu văn chương và khoa học tri nhận

Nguyễn Thế Truyền
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6356
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Phong cách học tri nhận (cũng gọi là thi pháp học tri nhận) là một lĩnh vực nghiên cứu mới của phong cách học phương Tây đương đại. Phong cách học tri nhận quan tâm nghiên cứu việc đọc hiểu văn chương và chỉ ra cách thức xử lý ngôn ngữ và văn chương của người đọc trên cơ sở những hiểu biết về cơ chế tri nhận của người đọc, cũng như các cấu trúc tri nhận của tác phẩm văn chương. Phong cách học tri nhận giúp chúng ta hiểu văn chương và ngôn ngữ từ cách nhìn của khoa học tri nhận và cũng gián tiếp gợi ra cách thức sáng tạo văn chương có hiệu quả.

Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy nhìn từ diễn ngôn nghệ thuật

Trần Văn Hải
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6527
Tóm tắt | PDF (811.7K)

Tóm tắt

Lời văn nghệ thuật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hình thức tác phẩm. Nó có vai trò nối kết các yếu tố hình thức khác để cấu thành nên một tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Nghiên cứu về lời văn nghệ thuật sẽ có nhiều hướng đi khác nhau. Với bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy từ góc nhìn diễn ngôn nghệ thuật với ba biểu hiện cơ bản: kết hợp diễn ngôn người kể chuyện và nhân vật, đan xen diễn ngôn đối thoại và độc thoại, hòa phối diễn ngôn kể và tả.

Thiên nhiên trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn phê bình sinh thái

Lê Thị Hồng Nhạn
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6335
Tóm tắt | PDF (743.5K)

Tóm tắt

Theo Cheryll Glotfelty, phê bình sinh thái đầu tiên và đơn giản nhất là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường tự nhiên. Phê bình sinh thái đề xuất lý thuyết “tự nhiên trung tâm luận”, phản biện lại quan niệm “con người trung tâm luận”. Từ góc nhìn Phê bình sinh thái, trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, thiên nhiên là nền tảng chủ đạo, là trung tâm của bức tranh cuộc sống. Ở đó, con người sống hòa vào tự nhiên. Qua truyện ngắn của ông, ta cũng thấy được sự chuyển biến của sinh thái tự nhiên, sự thay đổi trong quan hệ giữa con người với tự nhiên. Từ đó, tác giả cũng thể hiện thái độ không đồng tình trước sự tận diệt thiên nhiên trong quá trình khai thác.

Tính cách con người Nam Bộ trong tiểu thuyết Hoàng Văn Bổn giai đoạn 1955 – 1975

Trần Minh Hậu
Bản điện tử: 20 Th12 2019 | DOI: 10.58810/vhujs.6.5.2019.6562
Tóm tắt | PDF (699.2K)

Tóm tắt

Hoàng Văn Bổn là một trong những nhà văn lớn của vùng Đông Nam Bộ. Các sáng tác của ông, đặc biệt là một số tiểu thuyết như: Bông hường bông cúc, Mùa mưa, Trên mảnh đất này thể hiện rất rõ tính cách con người Nam Bộ. Đó là những con người Nam Bộ dũng cảm có tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập dân tộc, xả thân vì lý tưởng cao đẹp. Trong lao động, họ là những người chân chất, thật thà, quan tâm giúp đỡ nhau. Trong sinh hoạt đời thường, họ là những người có tinh thần lạc quan. Tình yêu đôi lứa trong những ngày bom đạn, đó là tình yêu “làm sáng bừng những cánh rừng miền Đông hiểm trở”, đó là những người vợ miền Nam luôn can trường đứng bên cạnh những người chiến sĩ miền Đông dũng cảm.