THỂ LỆ VIẾT BÀI GỬI ĐĂNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN HIẾN

  1. Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến (Van Hien University Journal of Science) Trường Đại học Văn Hiến công bố và đăng tải những kết quả nghiên cứu khoa học dưới dạng các bài tổng quan (review paper), các bài của các công trình nghiên cứu khoa học (research paper) và các bài thông tin, thông báo khoa học (short communication paper) của các tác giả trong và ngoài nước. Nội dung của các bài báo liên quan đến các ngành, chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu và sản xuất tại Trường Đại học Văn Hiến và các cơ sở liên quan của Trường Đại học Văn Hiến. Đặc biệt là những kết quả của các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực: Văn học, Kinh tế, liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao - Du lịch, Xã hội học, Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thông tin, Cơ khí, Tự động, Điện tử … với bốn số tiếng Việt và một số tiếng Anh.
  2. Quy định về hình thức trình bày một bài báo gửi đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến

- Bài báo viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, soạn trên máy vi tính, dòng đơn (line spacing: single), sử dụng font chữ Times New Roman, cỡ chữ (size) 12. Định dạng trang (page setup): lề trên 2 cm; lề dưới 2 cm; lề trái 2 cm và lề phải 2 cm. Bài viết không quá 7.000 từ (word).

- Bài báo phải được trình bày theo thứ tự sau: tên bài báo (chữ in hoa, cỡ chữ 14), tên tác giả, tên cơ quan tác giả công tác, tóm tắt, từ khóa, nội dung bài báo, lời cảm ơn (nếu có), tài liệu tham khảo. Tác giả liên hệ phải có địa chỉ cá nhân và địa chỉ cơ quan rõ ràng, e-mail, số điện thoại trên trang nhất của bản thảo (xem cấu trúc bài báo).

  1. Bài đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến phải chưa từng được đăng trên các sách, báo, tạp chí khác. Tạp chí không trả lại bản thảo nếu bài không được đăng.
  2. Tác giả chịu trách nhiệm về nội dung bài viết, bản quyền tác giả và các nội dung trích dẫn trong bài viết của mình. Người chịu trách nhiệm chính của bài viết sẽ được ghi thứ tự đầu tiên trên danh sách các tác giả, và tác giả chính vui lòng cung cấp cho Tạp chí đầy đủ số điện thoại, email, địa chỉ gửi thư, và số tài khoản ngân hàng (nếu có) để tiện liên hệ.

CẤU TRÚC BÀI BÁO CỦA TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN HIẾN

Cấu trúc bài báo của Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến gồm: Tên bài báo (bằng tiếng Việt); Title (tên bài báo bằng tiếng Anh); Tóm tắt (bằng tiếng Việt); Từ khóa (bằng tiếng Việt); Abstract (bằng tiếng Anh); Keywords (bằng tiếng Anh); (1) Đặt vấn đề; (2) Phương pháp nghiên cứu; (3) Kết quả và thảo luận; (4) Kết luận; Tài liệu tham khảo. Cụ thể:

Tên bài báo: tên bài báo (bằng tiếng Việt); Title (tên bài báo bằng tiếng Anh); tên tác giả, tên cơ quan công tác (nếu có), email liên lạc.

Phần Tóm tắt/ Abstract: dưới 200 từ, cần viết ngắn gọn, súc tích tóm tắt nội dung của toàn bài báo, và chuyển tải được những thông tin quan trọng: Đặt vấn đề và mục đích của nghiên cứu; Phương pháp nghiên cứu; Kết quả và thảo luận; Kết luận.

Từ khóa: dưới phần tóm tắt tiếng Việt có từ khóa bằng tiếng Việt và dưới phần tóm tắt tiếng Anh có từ khóa bằng tiếng Anh, số lượng từ khóa tối đa 5 từ.

Phần đặt vấn đề/ Mở đầu: xác định vấn đề nghiên cứu; nhận xét ngắn gọn về các nghiên cứu trước có liên quan; nêu rõ mục đích nghiên cứu, nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết; mô tả ngắn gọn cách thức tiến hành nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu: trong phần này phải cung cấp được các thông tin về phương pháp, đối tượng nghiên cứu, cụ thể: Thiết kế nghiên cứu hoặc cơ sở lý luận; cỡ mẫu, mô hình nghiên cứu (nếu có); phương pháp đo lường, phương pháp phân tích dữ liệu…

Kết quả và thảo luận: Trong phần này tác giả cần trình bày những kết quả chính của nghiên cứu và trả lời được câu hỏi “Đã phát hiện những gì?”, tính mới, khách quan khoa học và có cơ sở lý luận vững chắc. Các kết quả nghiên cứu phải được trình bày lần lượt nhằm trả lời các mục đích nghiên cứu (hay câu hỏi nghiên cứu) đã nêu ra trong phần đặt vấn đề. Các kết quả nếu được trình bày dưới dạng bảng số liệu, biểu đồ … sao cho những dữ liệu của phần kết quả trình bày ngắn gọn và chính xác.

Từ các kết quả nghiên cứu đã có phát hiện được những gì mới và những phát hiện đó có ý nghĩa gì. So sánh với các nghiên cứu trước; đưa ra những ưu điểm và khuyết điểm của công trình nghiên cứu và kết luận cho công trình nghiên cứu.

Kết luận: phải chuyển tải được kết quả, ý nghĩa của nghiên cứu và gợi ý hướng nghiên cứu trong tương lai.

Trích dẫn: không đánh số. Đối với tài liệu một hoặc hai tác giả: viết tên tác giả, năm xuất bản: số trang tham khảo trong ngoặc đơn. Ví dụ: Zeithaml và Bitner (2018) hoặc (Zeithaml và Bitner, 2018), (Fortassier, 1999: 121), (Đào Ngọc Chương, 2008: 25); đối với tài liệu nhiều tác giả: viết tên tác giả chính và cộng sự, năm xuất bản: số trang tham khảo. Ví dụ: Parasuraman và cộng sự, (1988) hoặc (Parasuraman và cộng sự, 1988), (Lê Bá Hán và cộng sự, 2007: 122).

Mỗi trích dẫn trong bài viết phải tương ứng với một nguồn tài liệu được liệt kê trong danh sách tài liệu tham khảo và ngược lại.

Tài liệu tham khảo: danh mục tài liệu tham khảo được sắp xếp theo thứ tự alphabet theo "Họ", không đánh số thứ tự hoặc dùng ký hiệu nào khác, không phân chia tiếng Việt và tiếng Anh. Tùy theo loại tài liệu tham khảo mà trình bày cụ thể theo hướng dẫn, ví dụ:

Sách: Tác giả (năm xuất bản). Tên sách. Nơi xuất bản, nhà xuất bản, trang tham khảo.

Bài báo: Tác giả (năm xuất bản). Tên bài báo. Tên Tạp chí, tập (Volume), số (Issue), trang tham khảo.

Bài báo online: tác giả (năm công bố). Tên bài báo. Tên Tạp chí, tập (Volume), số (Issue) trang tham khảo. Truy cập tại đường link, Doi (Digital Object Identifier), ngày truy cập…

Sách online: Tác giả (năm xuất bản). Tên sách. Nơi xuất bản, nhà xuất bản, trang tham khảo. Nguồn truy cập.

Lưu ý: đối với tài liệu tham khảo có nhiều tác giả, phải ghi đầy đủ tất cả các tác giả có trong tài liệu được tham khảo.