Ngày xuất bản: 2022-12-06

Tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) – So sánh một số ảnh hưởng đối với ngành thủy sản Việt Nam

Lê Thị Mai Hương & Nguyễn Minh Đức
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (8.9M)

Tóm tắt

Trên cơ sở giới thiệu về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như những mục tiêu mà AEC và TPP đang hướng tới, bài viết so sánh một số ảnh hưởng của AEC và TPP đối với ngành thủy sản Việt Nam trên lĩnh vực về mức độ giảm thuế và những quy định đối với vấn đề lao động. Ngoài ra, thông qua nguồn số liệu thứ cấp thu thập được từ Tổng cục thống kê, Tổng cục Hải quan, bài viết còn nêu lên thực trạng của ngành thủy sản trong những năm vừa qua trước yêu cầu hội nhập của nền kinh tế.

Tác động việc điều chỉnh tỷ giá đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập

Nguyễn Hoàng Giang
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (3.5M)

Tóm tắt

Sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân Dân tệ (Trung Quốc) – Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá VND tổng cộng 3% và biên độ tỷ giá cũng được nới lên 2 lần, từ 1% lên 3% - nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới. NHNN cũng phát đi thông điệp rằng tỷ giá VND sẽ được giữ ổn định, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Qua những sự kiện trên, bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta nhìn lại chính sách điều hành tỷ giá của VN trong thời gian qua và phân tích tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến xuất khẩu của VN, đồng thời đưa ra nhận định về những quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề trên một cách khách quan và tích cực nhất.

Quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc: Thực trạng, vấn đề và giải pháp

Lê Đăng Minh
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (10.5M)

Tóm tắt

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có chung đường biên giới trên bộ dài 1.281 km, có nhiều quan hệ nhiều mặt lâu đời, truyền thống. Trong đó, quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng mạnh mẽ và ảnh hưởng nhiều mặt đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của cả hai bên. Tuy nhiên, liên tiếp trong hơn một thập kỷ qua, cán cân thương mại giữa hai nước luôn thâm hụt, theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam. Những định hướng và giải pháp nhằm cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu từ Trung Quốc để tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Các yếu tố tác động đến cấu trúc vốn: Một nghiên cứu trong ngành xi măng Việt Nam

Lê Thị Minh Nguyên
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (7.4M)

Tóm tắt

Nghiên cứu đã sử dụng số liệu của 17 doanh nghiệp ngành xi măng được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (HOSE và HNX) trong giai đoạn 2007-2013 để tiến hành kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả cho thấy, các yếu tố như: khả năng sinh lợi, tuổi doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà nước có tác động ngược chiều tới cấu trúc vốn của các doanh nghiệp xi măng. Nghiên cứu còn cho thấy, các doanh nghiệp xi măng có quy mô càng lớn sẽ có tỷ lệ nợ dài hạn trên tổng tài sản càng cao. Điều này minh chứng cho khả năng tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp xi măng có quy mô lớn rất thuận lợi. Kết quả nghiên cứu còn nhấn mạnh sự ảnh hưởng của khả năng thanh toán và giá trị tài sản cố định đến cấu trúc vốn, nhất là tỷ lệ nợ dài hạn trên tổng tài sản. Riêng yếu tố lá chắn thuế khấu hao có tác động ngược chiều với tỷ lệ nợ trên tổng tài sản và tỷ lệ nợ dài hạn trên tổng tài sản.

Tác động của tài chính vi mô đến thu nhập của hộ nghèo ở Việt Nam

Mai Thị Hồng Đào
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (7.9M)

Tóm tắt

Nghiên cứu về Tác động của tài chính vi mô (TCVM) đến thu nhập của hộ nghèo ở Việt Nam, sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, mô hình hồi quy tuyến tính logarit, ứng dụng phần mềm STATA 12, với dữ liệu chéo được thu thập từ bộ dữ liệu kết quả khảo sát mức sống dân cư 2012 (VHLSS 2012). Kết quả phân tích hồi quy cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nghèo gồm: Độ tuổi, qui mô hộ, tỷ lệ phụ thuộc, tổng tài sản, tín dụng vi mô và khu vực. Nghiên cứu cũng cho thấy tác động của tài chính vi mô (TCVM) đến thu nhập của từng nhóm hộ nghèo là khác nhau. Từ kết quả tìm được, tác giả đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp để nâng cao hơn nữa hoạt động của TCVM, nhằm giúp hộ nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cải thiện thu nhập.

Những nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hóa thu nhập của nông hộ ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long

Hứa Thị Phương Chi & Nguyễn Minh Đức
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (9.6M)

Tóm tắt

Với mục tiêu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hóa thu nhập của nông hộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Binary Logistic và dữ liệu của 2.287 hộ gia đình vùng nông thôn ĐBSCL có tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp thu được từ cuộc Khảo sát mức sống dân cư (VHLSS) năm 2012 do Tổng Cục Thống Kê, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư phối hợp với Ngân Hàng Thế Giới (WB) thực hiện. Nghiên cứu đã tìm ra 6 nhân tố có ý nghĩa thống kê, ảnh hưởng tích cực đến việc đa dạng hóa thu nhập của nông hộ vùng ĐBSCL, gồm: đào tạo nghề, số người phụ thuộc trong nông hộ, số lượng thành viên của nông hộ, trình độ học vấn trung bình của các thành viên trong nông hộ, trình độ học vấn của chủ hộ và số người tham gia vào hoạt động sản xuất phi nông nghiệp trong gia đình.

Tác động của quản lý vốn lưu động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh

Vương Đức Hoàng Quân & Dương Diễm Kiều
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (6.5M)

Tóm tắt

Quản lý vốn lưu động là vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp quản lý vốn lưu động hiệu quả sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận, hạn chế rủi ro về vấn đề thanh khoản và làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Nghiên cứu phân tích và đánh giá mức độ tác động của vốn lưu động đến lợi nhuận của 29 doanh nghiệp thuộc 4 ngành dược phẩm, ngành thép, ngành thực phẩm và ngành thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với giai đoạn tập trung là từ năm 2010 đến 2014. Kết quả nghiên cứu thể hiện qua mô hình hồi qui riêng của từng ngành và cho thấy mức độ tác động của vốn lưu động đến lợi nhuận đối với 4 ngành nghiên cứu rất khác nhau. Nghiên cứu cũng đề cập đến các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả vốn lưu động của các doanh nghiệp theo từng ngành.

Nghiên cứu tác động của vốn, lao dộng và cơ sở hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Sông Cửu Long

Đào Thông Minh & Lê Thị Mai Hương
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (6.3M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung phân tích tác động của vố đầu tư tư nhân, lao động, cơ sở hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nghiên cứu sử dụng hàm tuyến tính đa biến được tổng hợp từ các nghiên cứu trước và phù hợp với đặc điểm kinh tế tại địa phương nghiên cứu, bao gồm các biến tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư tư nhân, lao động, cơ sở hạ tầng (đường bộ, điện năng, viễn thông). Với dữ liệu thu thập được tiếp cận và tổng hợp từ nguồn dữ liệu thứ cấp tại Niên giám thống kê - Cục thống kê của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, kết quả điều tra lao động việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng cục đường bộ- Bộ giao thông vận tải, Phòng Tổng hợp - Bộ thông tin truyền thông chi cục phía Nam giai đoạn 2009-2013. Kết quả ước lượng cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là: vốn đầu tư tư nhân, lao động, cơ sở hạ tầng (điện năng và đường bộ).

Triển vọng ngành hàng chanh Việt Nam: Chuỗi giá trị chanh không hạt Long An

Hồ Cao Việt
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (6M)

Tóm tắt

Ở miền Nam Việt Nam, cây chanh được trồng chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm khoảng 60% tổng diện tích chanh cả nước. Trong đó, diện tích chanh tỉnh Long An khoảng 5.042 hecta (tương đương 27,3 % diện tích) và hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 72.000 tấn chanh (UBND Tỉnh Long An, 2012). Những năm gần đây, xuất khẩu chanh của Việt Nam gia tăng liên tục và đạt mức tổng kim ngạch 3 triệu đô la Mỹ trong năm 2014, trong đó, khoảng 0,5 triệu đô la đóng góp từ chuỗi giá trị chanh tỉnh Long An. Hơn nữa, chuỗi chanh của tỉnh này còn góp phần trong chuyển đổi hệ thống canh tác trong bối cảnh biến đổi khí hậu, từ diện tích lúa kém hiệu quả, và cải thiện đáng kể thu nhập cho nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, chuỗi giá trị chanh tiêu chuẩn tỉnh Long An đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cũng như nhiều cơ hội như: yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cao và ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu chanh và thị trường thế giới, dịch vụ logistics còn rất yếu kém, chi phí sản xuất chanh khá cao và giá thành có mức cạnh tranh thấp, v.v…Thông qua các đội khảo sát và thảo luận nhóm chuyên gia được tiến hành trong năm 2015 với những tác nhận đại diện trong chuỗi giá trị chanh tỉnh Long An (gồm có 67 hộ trồng chanh, 4 hộ thu mua chanh, 3 doanh nghiệp xuất khẩu chanh). Phân tích hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong chuỗi dựa trên số liệu về chi phí sản xuất và kinh doanh củ hộ thụ mua và doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời phân tích SWOT cho toàn chuỗi cũng được thực hiện nhằm đề ra các giải pháp và chiến lược cải tiến chuỗi cũng như thực thi các chính sách cho chuỗi giá trị chanh tỉnh Long An.

Sự biến động giá và khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam xuất khẩu trên thị trường thế giới

Tô Thị Kim Hồng
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (5.3M)

Tóm tắt

Việc phân tích sự biến động giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu là công việc cần thiết nhằm giúp cho quốc gia có thể dự đoán trước những sự biến động và từ đó có thể có phương án dự phòng rủi ro. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định tính và phương pháp định lượng để đánh giá những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cà phê trên thị trường quốc tế, xu hướng này càng trở nên rõ nét hơn khi Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Qua quan sát và phân tích 34 năm biến động của giá cà phê, cho thấy giá cà phê biến động có tính chu kỳ tăng 5 năm và chu kỳ giảm 7 năm. Kết quả phân tích mô hình logarit kép có thể thấy giá xuất khẩu của Brazil có vai trò rất lớn trong việc dự báo giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Khi giá cà phê Brazil tăng 1%, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng 0,31%.

Giá trị thương hiệu: Nghiên cứu thực hiện với sản phẩm thanh long Bình Thuận

Mai Lưu Huy, Văn Hữu Nhật Quang & Dương Kim Thạnh
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (6.6M)

Tóm tắt

Thanh long Bình Thuận là một thương hiệu quốc gia trong nhiều năm gần đây. Nghiên cứu các yếu tố tác động giá trị thanh long Bình Thuận được thực hiện để giúp chính phủ và địa phương có cơ sở khoa học để đưa ra chiến lược phát triển trong dài hạn. Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu dựa trên 299 quan sát và thực hiện bằng phương pháp hồi qui bội. Kết quả cho thấy các yếu tố: nhận biết thương hiệu, lòng ham muốn thương hiệu, chất lượng cảm nhận và lòng trung thành thương hiệu đều có mức độ ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu thanh long Bình Thuận

Tầm quan trọng của marketing hỗn hợp trong quyết định chọn trường đại học ngoài công lập của sinh viên

Hoàng Thị Phương Thảo & Nguyễn Đình Bình
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (8M)

Tóm tắt

Mục đích của nghiên cứu này là xác định mức độ quan trọng của các yếu tố marketing hỗn hợp trong quyết định chọn trường Đại học ngoài công lập (ĐH NCL) của sinh viên. Cuộc khảo sát 326 sinh viên năm nhất của 10 trường ĐH NCL tại thành phố Hồ Chí Minh được tiến hành. Kết quả đã xác định 07 yếu tố marketing hỗn hợp giữ vai trò quan trọng trong quyết định chọn trường của sinh viên: nhân sự, cơ sở vật chất, chi phí đào tạo, chương trình đào tạo, quy trình, địa điểm đào tạo, và chiêu thị. Đồng thời, nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt về tầm quan trọng của trong quyết định chọn trường của sinh viên giữa các nhóm trường có đặc điểm khác nhau. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh hàm ý quản lý trong lĩnh vực marketing giáo dục, giúp các trường quan tâm hơn đến việc sử dụng marketing hỗn hợp để thu hút người học.

Phân tích sự tương tác giá giữa các thị trường trong chuỗi giá trị cá tra Việt Nam

Nguyễn Minh Xuân Hương & Nguyễn Minh Đức
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (6.8M)

Tóm tắt

Với số liệu nghiên cứu theo tháng từ năm 2008 đến năm 2013, nghiên cứu này sử dụng phân tích kinh tế lượng qua kiểm định đồng liên kết và mô hình hiệu chỉnh sai số để xác định mối liên hệ giá giữa các thị trường khác nhau trong chuỗi giá trị của cá tra ở Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, tác động của giá cá tra xuất khẩu và giá bán sỉ tại chợ đối với giá bán tại trại nuôi là không có ý nghĩa trong ngắn hạn nhưng lại có ý nghĩa trong dài hạn. Trong điều kiện các yếu tố khác tác động đến giá bán tại trại là không đổi, giá bán tại trại của tháng trước đó đã tăng 1% thì giá bán cá tra tại trại hiện tại có xu hướng tăng 0,71%. Khi giá bán tại chợ bán sỉ của tháng trước đó tăng 1%, giá bán cá tra tại trại được dự báo tăng 0,2%. Giá bán cá tra tại trại có xu hướng tăng 0,19% khi tháng trước đó giá xuất khẩu đã tăng 1%. Kết quả nghiên cứu góp phần giúp người nuôi cá tra có thể dự báo được khuynh hướng thay đổi của giá dựa trên giá xuất khẩu hay giá bán tại thị trường Việt Nam.

Kiểm định quan hệ giữa chất lượng đào tạo và sự cảm nhận hài lòng của sinh viên Khoa Kinh tế - Đại học Văn Hiến

Trần Hữu Ái
Bản điện tử: 31 Th08 2016
Tóm tắt | PDF (7.2M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) để xác định mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo và sự cảm nhận của sinh viên Khoa Kinh tế gồm 5 thành phần với 22 biến quan sát: (1) cơ sở vật chất và phương tiện, (2) sự tin cậy vào nhà trường, (3) giáo viên, (4) chương trình đào tạo và (5) môi trường giáo dục. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 4 thành phần liên quan đến chất lượng đào tạo tác động trực tiếp và cùng chiều đến cảm nhận của sinh viên. Các kết quả này cũng cung cấp các thang đo chất lượng giáo dục, tạo cơ sở cho việc quản lý chất lượng đào tạo và nâng cao sự hài lòng của sinh viên Khoa Kinh tế tại Trường Đại học Văn Hiến