Ngày xuất bản: 2022-03-28

Không gian tri nhận ở cấp độ câu trong Tiếng Việt

Nguyễn Hoàng Phương
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.6570
Tóm tắt | PDF (413K)

Tóm tắt

Theo Fauconnier (1995), một biểu thức ngôn ngữ bất kỳ đều gợi lên một vùng không gian tri nhận trong tâm thức của chủ thể. Nó có thể coi là không gian giả lập của không gian thực được tạo dựng trong tâm thức của người sử dụng ngôn ngữ. Nó là một chỉnh thể phối cảnh lớn có thể có nhiều tầng lớp. Các thành tố của nó được dựng lên từ các khung và mô hình tri nhận mà biểu thức ngôn ngữ phản ánh. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng lược đồ hóa, tri thức nền, phương thức phân tích, tổng hợp, ánh xạ, phân vùng ý niệm… của chủ thể. Trong bài viết này chúng tôi dùng lý thuyết của Fauconnier để khảo sát các kiểu không gian tri nhận ở cấp độ câu trong tiếng Việt. Kết quả khảo sát giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức người Việt tạo sinh ngôn ngữ. Đồng thời nó giúp chúng ta có định hướng tốt cho việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho người nước ngoài.

Ảnh hưởng của một số công thức thức ăn nhân tạo đến nhân nuôi sâu tơ Plutella xylostella L. (Lepidoptera: Yponomeutidae)

Trần Thị Thúy An, Nguyễn Thị Thái Hà & Phạm Thị Lệ Thủy
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.7224
Tóm tắt | PDF (630.2K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được tiến hành vào tháng 04/2018 đến tháng 12/2019. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá khả năng nhân nuôi sâu tơ (Plutella xylostella L.) trên một số công thức thức ăn nhân tạo. Thí nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm, bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên đơn yếu tố. Sâu tơ Plutella xylostella được nhân nuôi trên 2 công thức thức ăn nhân tạo: D1 (môi trường Guanghong và cộng sự, 1996), D2 (đề xuất) và nuôi trên lá cải xanh ở nhiệt độ 30 ± 20C và ẩm độ 65 ± 5%. Khi nuôi sâu tơ trên công thức đề xuất (D2) thì tỷ lệ sâu chết thấp nhất (20,3 ± 6,6 %), tỷ lệ hóa nhộng, trọng lượng nhộng, khả năng đẻ trứng của trưởng thành cái cao nhất trung bình lần lượt là 79,7 ± 6,6 %, 4,84 ± 0,17 mg, 148,1 ± 25,7 trứng. Kết quả thí nghiệm cho thấy khi nuôi trên thức ăn nhân tạo không ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển và khả năng nhân mật số của sâu tơ.

Áp dụng lý thuyết nhóm quy chiếu của Peter L. Berger trong việc giải thích hiện tượng cải đạo

Nguyễn Duy Hải
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.7223
Tóm tắt | PDF (550.3K)

Tóm tắt

Tôn giáo là một thực thể khách quan của của lịch sử loài người, là một nhu cầu về văn hóa tinh thần của cá nhân, cộng đồng xã hội, vừa có tính lịch sử vừa có tính xã hội đa dạng và phức tạp. Trong đó hiện tượng cải đạo được xem là một trong những chỉ báo nói lên tính đa dạng và phức tạp của tôn giáo, cho nên nó cần được nghiên cứu. Bằng phương pháp tổng quan tài liệu và áp dụng lý thuyết nhóm quy chiếu của Peter L. Berger, nghiên cứu này cho thấy tín đồ rời bỏ tôn giáo trước đây để gia nhập vào tôn giáo mới chính là hệ quả gắn bó về mặt tri nhận.

Nâng cao sự gắn kết của nhân viên với tổ chức: Nghiên cứu thực nghiệm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá

Bùi Nhất Vương & Nguyễn Thị Ngọc Châu
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.7229
Tóm tắt | PDF (811.2K)

Tóm tắt

Nguồn nhân lực được coi là một nguồn lực quan trọng vì nó thúc đẩy tất cả các yếu tố khác bao gồm vốn, thiết bị, thông tin và nguồn tài chính. Nguồn nhân lực bao gồm các tài sản vô hình như văn hóa, kỹ năng, năng lực và tương tác xã hội giữa mọi người, và nhóm…. Nếu xử lý tốt nguồn nhân lực có thể cung cấp một lợi thế cạnh tranh, nhưng khi xử lý sai, chúng sẽ dẫn đến áp lực cho công ty. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, các tổ chức nên chú tâm đến nguồn nhân lực để mà họ có thể tồn tại và duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu  quả sẽ không thể đạt được nếu không có sự gắn kết của nhân viên. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu hiện tại là để khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết của nhân viên tại công ty Hùng Cá. Dữ liệu khảo soát đã thu thập từ 67 nhân viên văn phòng và 260 công nhân (tổng N = 327) tại công ty Hùng Cá đã được phân tích để cung cấp bằng chứng. Kết quả từ phân tích hồi quy bội bởi sử dụng phần mềm SPSS đã xác định rằng Thu nhập, Khen thưởng và phúc lợi, Người quản lý trực tiếp, Môi trường làm việc, Đồng nghiệp, Văn hóa tổ chức, và Cơ hội thăng tiến đã có khuynh hướng liên kết tích cực với sự gắn kết của nhân viên. Những phát hiện chính của nghiên cứu này cung cấp các hàm ý thực tiễn cho công ty. Nó ngụ ý rằng công ty nên cải thiện những yếu tố này để duy trì và nâng cao sự gắn kết của nhân viên.

Xu hướng mua sắm smartphone của sinh viên trường Đại học Văn Hiến

Đào Thông Minh
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.7305
Tóm tắt | PDF (545K)

Tóm tắt

Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố tác động đến xu hướng mua điện thoại thông minh (ĐTTM) của sinh viên trường Đại học Văn Hiến dựa trên lý thuyết hành vi tiêu dùng và mô hình chấp nhận công nghệ TAM. Số liệu sử dụng cho nghiên cứu này được thu thập từ một cuộc điều tra bằng bảng câu hỏi với số sinh viên được khảo sát là 250. Sử dụng phương pháp phân tích hệ số tin cậy Cronbach alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA), với 25 biến quan sát đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng mua ĐTTM, tác giả đã nhóm lại thành 5 nhân tố chung cho mô hình phân tích hồi quy. Kết quả phân tích hồi quy chỉ ra rằng: giá cả, giá trị chức năng, giá trị xã hội, giá trị thụ hưởng và tính cách cá nhân là 5 nhân tố có ảnh hưởng tích cực và giải thích được 59,7% sự thay đổi xu hướng mua sắm ĐTTM của sinh viên Đại học Văn Hiến.

Tư tưởng sinh thái Phật giáo trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XXI

Bùi Thanh Truyền & Hoàng Thị Tú Anh
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.6553
Tóm tắt | PDF (536.8K)

Tóm tắt

Văn học thế kỷ XXI phản ánh nhiều vấn đề của đời sống, trong đó có vấn đề môi trường. Bắt nhịp nhanh với điều ấy, truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XXI cũng chọn cho mình “lối viết sinh thái” nhưng có dấu ấn, màu sắc Phật giáo. Bài viết đề cập đến mối quan hệ giữa Phật giáo và sinh thái, từ đó phác thảo lên bức tranh đa dạng với nhiều mảng màu thể hiện tư tưởng sinh thái Phật giáo phương Nam. Chính tinh thần nhân văn đã giúp cho những sáng tác này tác động mạnh mẽ đến tâm thức con người, nói lên tiếng nói góp phần bảo vệ trái đất chúng ta.

Một số đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang

Nguyễn Thị Thẩm Mỹ
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.7231
Tóm tắt | PDF (520.3K)

Tóm tắt

Với phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu và làm sáng tỏ một số đặc điểm nghệ thuật trong cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang, cụ thể là: đặc điểm hư cấu từ sự kiện và nhân vật lịch sử, độc thoại và đối thoại lịch sử, điểm nhìn trần thuật và sự tích hợp thể loại. Qua đó, làm nổi bật lên nội dung, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và sự cách tân của tác giả trong tiến trình vận động của tiểu loại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại.

Hai kiểu ứng xử của người Hàn di cư trong tiểu thuyết Pachinko của Min Jin Lee

Nguyễn Thị Tuyết
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.6573
Tóm tắt | PDF (497.8K)

Tóm tắt

Pachinko là cuốn tiểu thuyết lịch sử về một bộ phận thiểu số người Hàn di cư trên đất Nhật từ đầu thế kỷ XX. Cộng đồng thiểu số ấy đã bị lịch sử lãng quên, nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực xây dựng bản sắc, họ đã viết lên lịch sử của chính mình. Trước sức mạnh bá quyền của đế quốc Nhật, người Hàn di cư liên tục đấu tranh để sinh tồn. Hai kiểu ứng xử phổ biến nhất là thỏa hiệp và kháng cự, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà họ đưa ra những lựu chọn tốt nhất. Những lựa chọn ấy không chỉ thể hiện bản sắc của mỗi cá nhân mà còn là nét đẹp nhân sinh cao cả mà thế hệ trước muốn trao truyền lại cho thế hệ sau. Min Jin Lee, với cảm quan của một người Hàn di cư, đã viết về những hoàn cảnh khắc nghiệt và những vẻ đẹp tâm hồn ấy, hòa trong âm hưởng sử thi và sự giản dị đời thường.

Hình tượng yêu ma và hàm ý văn hóa trong truyện cổ dân gian người Việt

Phạm Văn Hóa
Bản điện tử: 30 Th06 2020 | DOI: 10.58810/vhujs.7.2.2020.6551
Tóm tắt | PDF (439.1K)

Tóm tắt

Yêu ma trong truyện cổ dân gian người Việt vừa là hình thái biến hóa huyền ảo mang tính “người”, vừa có tính đặc trưng của thế giới muôn loài. Đại bộ phận yêu ma không chỉ ám hại con người, hay có thủ đoạn mê hoặc con người với đặc tính xảo quyệt, mà còn có những nét nhân tính nhất định. Những hình tượng yêu ma này cùng với hình thái ý thức xã hội đương thời như tín ngưỡng quỷ thần, phong tục tập quán, nếp sống con người có mối quan hệ mật thiết với nhau