Ngày xuất bản: 2022-03-28
Công nghệ thực phẩm
Nghiên cứu bảo quản mẫu tỉa hoa từ một số rau củ bằng màng bao alginate
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7326
Tóm tắt
|
PDF (2.5M)
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm xem xét khả năng kéo dài thời gian sử dụng của mẫu tỉa trong quá trình trang trí và định hướng nghiên cứu phát triển cho nghề tỉa rau củ quả, dần đưa sản phẩm tỉa rau củ ra thị trường, góp phần đa dạng đầu ra cho sản phẩm rau củ quả Việt Nam. Qua toàn bộ kết quả thí nghiệm cho thấy việc sử dụng màng alginate làm màng bao mẫu tỉa đem lại hiệu quả nhất định. Mẫu tỉa bao màng alginate ở nồng độ 0.75% bằng phương pháp nhúng màng, ở thời gian 30 giây và nhúng ở nhiệt độ 30oC cho kết quả tốt nhất về các chỉ tiêu: cảm quan, hao hụt khối lượng và chỉ tiêu so màu.
Xã hội học
Vai trò của tăng sĩ đối với cuộc sống của người dân Thái Lan
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7330
Tóm tắt
|
PDF (2.7M)
Tóm tắt
Phật giáo được biết đến là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Phật giáo đã tác động đến cuộc sống của con người không chỉ ở khía cạnh tinh thần mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống vật chất. Thái Lan, một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lục địa đã tiếp nhận Phật giáo (Phật giáo Theravada) và đưa tôn giáo này trở thành tôn giáo của quốc gia. Người Thái đặc biệt kính trọng các vị sư tăng vì đó là những vị đệ tử của Đức Phật đang thực hiện sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Trong văn hóa Thái Lan, chùa và tăng sĩ đóng một vai trò quan trọng trong xã hội: chùa là nơi sinh hoạt của mọi người, còn tăng sĩ là lãnh đạo tinh thần của nhân dân. Bên cạnh những nghi lễ liên quan đến vòng đời con người thì chùa còn là nơi diễn ra các lễ hội lớn nhỏ trong năm. Ngoài ra, các vị tăng sĩ còn đóng vai trò hỗ trợ cần thiết cho đời sống người dân như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, các hoạt động xã hội
Giáo dục
Các khó khăn để hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đại học khối ngành kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7311
Tóm tắt
|
PDF (5.6M)
Tóm tắt
Nghiên cứu khoa học (NCKH) mang nhiều lợi ích thực tiễn và cần thiết không chỉ đối với giảng viên mà còn đối với sinh viên trong quá trình học đại học. Bên cạnh cuộc thi NCKH hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức còn có nhiều hội thảo được các trường đại học tổ chức nhằm tạo sân chơi khoa học, khuyến khích sinh viên phát huy khả năng tìm tòi, sáng tạo, vượt qua các thử thách, vừa để trang bị thêm kiến thức vừa cống hiến những sản phẩm khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đề tài thành công, còn rất nhiều sinh viên không tham gia NCKH hoặc không hoàn thành được đề tài khi không thể vượt qua những rào cản, khó khăn khác nhau. Việc xác định và đo lường những khó khăn trong hoạt động NCKH là tiền đề cho những giải pháp hỗ trợ kịp thời và nâng cao chất lượng của sản phẩm khoa học của sinh viên. Nghiên cứu định lượng này được tiến hành thông qua khảo sát 309 sinh viên khối ngành kinh tế từ năm trường đại học trên địa bàn Tp HCM. Kết quả nghiên cứu đã khám phá bốn nhóm khó khăn chính tác động đến việc không hoàn thành đề tài NCKH, trong đó bên cạnh vai trò người hướng dẫn, các yếu tố quan trọng nhất liên quan đến những khó khăn chủ quan của bản thân sinh viên khi tham gia NCKH.
Kinh tế
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng duy trì mối liên kết giữa thương lái và nông hộ sản xuất rau tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7315
Tóm tắt
|
PDF (3M)
Tóm tắt
Trong một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để nông sản đến được thị trường thì mối liên kết giữa người sản xuất và thương lái là chiếc cầu nối không thể thiếu trong việc tiêu thụ nông sản. Khi tham gia liên kết với thương lái trong sản xuất rau, nông hộ sẽ dễ tiếp cận với thị trường qua việc thông tin từ thương lái. Nghiên cứu này đã sử dụng mô hình hồi quy Logit với phương pháp ước lượng MLE nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng duy trì mối liên kết giữa thương lái và nông hộ sản xuất rau. Số liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 222 hộ canh tác rau tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, đây là một trong bốn địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất tỉnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xác suất nông hộ duy trì liên kết với thương lái là 75,67% và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng duy trì liên kết giữa thương lái và nông hộ như tuổi chủ hộ, diện tích canh tác, sự tin tưởng, sự hài lòng, giới tính, phương thức thanh toán và hợp đồng. Trong đó, biến phương thức thanh toán và sự tin tưởng có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng duy trì liên kết trong sản xuất rau của nông hộ. Để nâng cao hiệu quả liên kết giữa thương lái và nông hộ trồng rau trên địa bàn thì cả hai cần phải giữ chữ tín và tuân thủ những giao kèo trong liên kết.
Văn học
Yếu tố folklore trong tiểu thuyết của Chinghiz Aitmatov: Từ câu chuyện núi đồi quê hương đến triết lý nhân sinh
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7318
Tóm tắt
|
PDF (8.4M)
Tóm tắt
Là nhà văn người Kyrgyzstan, trưởng thành trong thời hậu chiến, Xô viết, Chinghiz Aitmatov đã trực tiếp đối mặt với những khủng hoảng đạo đức, xã hội đương thời. Vì vậy, nhà văn sử dụng folklore vừa như một cách tân nghệ thuật, vừa như một bức bình phong để thể hiện thái độ, tư tưởng một cách khôn ngoan, giúp tác phẩm thoát khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt nghiệt ngã. Mỗi tác phẩm của ông đều bắt nguồn từ núi đồi quê hương thấm đượm tính dân tộc, lại chan chứa tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, kết tinh những giá trị vĩnh hằng.
Đặc trưng thể loại tiểu thuyết gia đình qua Gia đình Buddenbrook của Thomas Mann
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7324
Tóm tắt
|
PDF (6.1M)
Tóm tắt
Bài viết này dựa trên lý thuyết về tiểu thuyết gia đình kết hợp với phương pháp phê bình tiểu sử để tìm hiểu tác phẩm “Gia đình Buddenbrook” của Thomas Mann từ góc nhìn thể loại. “Gia đình Buddenbrook” là tiểu thuyết đầu tay của Thomas Mann và được xem là khuôn mẫu của thể loại tiểu thuyết gia đình. Năm thế hệ thuộc gia tộc Buddenbrook đã trải qua nhiều thăng trầm từ giai đoạn phát triển thịnh vượng đến lúc suy vong. Những mâu thuẫn giữa các thế hệ, sự suy giảm kinh tế và tinh thần của các thành viên trong gia đình đã cho thấy tầm quan trọng của nghĩa vụ và trách nhiệm mà mỗi cá nhân cần phải có đối với sự phát triển nền kinh tế, củng cố địa vị xã hội của cả dòng họ. Nghĩa vụ và trách nhiệm đối với dòng tộc buộc họ phải từ bỏ niềm đam mê, hạnh phúc cá nhân để duy trì, phát triển sự nghiệp của gia tộc. Tiếp cận tác phẩm “Gia đình Buddenbrook” dưới góc nhìn thể loại tiểu thuyết gia đình, bạn đọc sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về những gia đình đa thế hệ thuộc tầng lớp tư sản trong xã hội châu Âu ở thế kỷ XIX.
Tiếp nhận Anna Seghers ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1975
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7322
Tóm tắt
|
PDF (4.8M)
Tóm tắt
Nghiên cứu này dựa trên lý thuyết tiếp nhận văn học kết hợp với phương pháp lịch sử để đưa ra những giải thích, nhận định về sự tiếp nhận Anna Seghers ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Seghers là nhà văn lưu vong, được đánh giá hay nhất và ảnh hưởng nhiều nhất trong thế kỷ XX và cũng là đại diện lớn nhất trong văn chương Đức về đề tài chống phát xít. Tác phẩm của bà được dịch ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam giai đoạn lịch sử đặc biệt 1954-1975, bà được tiếp nhận chỉ ở miền Bắc và tập trung trong vài năm, chủ yếu ở lĩnh vực dịch thuật. Seghers thể hiện tinh thần đấu tranh và tinh thần hữu nghị quốc tế trong sự nghiệp văn chương cũng như sự nghiệp chính trị. Sự thể hiện đó rất phù hợp với hoàn cảnh đấu tranh bảo vệ đất nước thời bấy giờ ở miền Bắc.
Văn xuôi Võ Diệu Thanh dưới góc nhìn phê bình sinh thái
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7329
Tóm tắt
|
PDF (4.6M)
Tóm tắt
Dưới góc nhìn phê bình sinh thái, văn xuôi Võ Diệu Thanh đã thể hiện rất rõ tư tưởng sinh thái của nhà văn với những vấn đề về môi trường và những nguy cơ về sinh thái. Đặc biệt trong tình trạng biến đổi khí hậu và những tác động của nó đến văn hóa, xã hội, lịch sử tại Nam Bộ, đây là đề tài mang nhiều ý nghĩa thời sự, nhân văn trong văn học Nam Bộ, nhất là vào những năm đầu thế kỷ 21. Nữ văn sĩ đã lên án các hành vi tàn phá tự nhiên, cảnh báo về sức mạnh và sự cuồng nộ của tự nhiên. Từ đó, tác giả đã cất lên tiếng nói chủ trương tái thiết môi trường để chuộc lỗi với tự nhiên. Tất cả những nội dung đó được thể hiện bởi một thứ văn phong sinh thái rất đặc trưng, mang dấu ấn riêng của một nhà văn – nhà giáo – một người con của mảnh đất này.
Vai trò của dịch thuật, báo chí đối với sự ra đời và phát triển của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7328
Tóm tắt
|
PDF (3.1M)
Tóm tắt
Nói đến sự hình thành và phát triển của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không thể không nhắc đến vai trò to lớn của công tác dịch thuật và các tờ báo quốc ngữ. Việc dịch thuật không chỉ giúp phổ biến chữ quốc ngữ ngày càng sâu rộng đến với người dân, mà còn giúp bạn đọc lần đầu tiên được thưởng thức các kiệt tác văn học của nước ngoài, điều mà trước đây chỉ nghe nói. Bên cạnh đó, việc dịch thuật còn giúp các nhà văn có cơ hội ngày càng hoàn thiện kỹ năng sử dụng chữ quốc ngữ, rèn luyện khả năng viết văn, đặc biệt là học kỹ thuật viết văn của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, các tác phẩm dịch thuật sẽ không tới được tay bạn đọc nếu như không có các tờ báo quốc ngữ. Với sự đăng tải ngày càng nhiều các tác phẩm văn học, báo chí quốc ngữ đã trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng, đào tạo và thử thách tay nghề của người cầm bút lúc bấy giờ. Từ đó, công chúng văn chương cũng được bắt nguồn từ công chúng báo chí, và văn học hiện đại Việt Nam cũng bắt đầu nảy mầm từ đây.
Một thế kỷ đọc lại Đại Việt tập chí 1918
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7332
Tóm tắt
|
PDF (2.8M)
Tóm tắt
Ra đời năm 1918, Đại Việt tập chí là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở tỉnh An Giang và thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do thời gian tồn tại ngắn ngủi với 7 số, tạp chí này gần như đã bị lãng quên trong lịch sử báo chí Việt Nam hơn một thế kỷ qua. Nghiên cứu về Đại Việt tập chí, chúng tôi nhận thấy những người thực hiện lúc bấy giờ đã rất cố gắng để góp phần vào công cuộc nâng cao dân trí cho đồng bào. Nghiên cứu này sẽ giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn và đánh giá đúng đắn hơn về Đại Việt tập chí trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc.
Thơ Tân hình thức như một nỗ lực mở rộng biên giới thơ
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7336
Tóm tắt
|
PDF (3.5M)
Tóm tắt
Với tâm thức của người nghệ sĩ mang khát vọng cách tân thơ Việt truyền thống, Khế Iêm đã tiếp thu tinh thần thơ tự do Mỹ để thiết lập, kiến tạo và truyền bá kiểu thơ mới, thơ Tân hình thức. Bằng phương pháp phân tích, so sánh, bài viết đã chỉ ra những sáng tạo của thơ Tân hình thức, từ quan niệm thi pháp đến thực tiễn sáng tác, từ nội dung tư tưởng đến đối tượng tiếp nhận. Những cách tân độc đáo ấy không chỉ là nỗ lực làm mới thơ ca mà còn mở rộng biên giới thơ Việt, biên giới địa lý, văn hóa và tư tưởng.
Giá trị của biểu tượng Naga trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ
Bản điện tử:
30 Th12 2020
| DOI:
10.58810/vhujs.7.3.2020.7307
Tóm tắt
|
PDF (3.2M)
Tóm tắt
Rắn - một trong những đại diện của thế giới tự nhiên đến với con người - là hình tượng mẫu gốc, được gắn với cội nguồn của sự sống và trí tưởng tượng. Đi qua những không gian, thời gian khác nhau, rắn đã trở thành rắn thiêng - biểu tượng Naga với các ý nghĩa, giá trị liên tục được bồi đắp. Ngoài việc mang những ý nghĩa biểu tượng cao quý: biểu tượng của nguồn nước, biểu tượng của cội nguồn; thì đồng thời với nó là những giá trị vĩnh hàng như giá trị lịch sử, giá trị tâm linh, giá trị giáo dục,… đồng hành, tương hỗ trong cuộc sống con người. Sự gắn kết này đã thành bản sắc - vốn văn hóa quý báu của người Khmer Nam Bộ. Biểu tượng Naga đã được “sống” trong lòng người Khmer Nam Bộ với các phong tục, nghi thức, tập quán; với các nghệ thuật tạo hình; với tôn giáo và văn học dân gian vô cùng sinh động, phong phú.