Ngày xuất bản: 2023-09-05

Nghĩ về chữ "tài" trong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du

Đoàn Trọng Thiều
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.831
Tóm tắt | PDF (7M)

Tóm tắt

Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du là tác phẩm lớn, chứa đựng triết lý nhân sinh và tài năng của người nghệ sĩ. Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm “tài” và “mệnh” trong Đoạn trường tân thanh thể hiện mối quan hệ có tính quy luật: xung đột/ tương đố. Nhưng thực tế tác phẩm, qua hình tượng nhân vật, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy rõ chữ “tài” có khả năng vượt lên trên, hóa giải chữ “mệnh”. Tài năng chính là giá trị, phẩm chất quan trọng của con người, bên cạnh đạo đức. Không chỉ tài năng khoa học mà tài năng ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phẩm chất nghệ sĩ cũng cần được đề cao. Đây cũng là một trong những đóng góp của Nguyễn Du cần được ghi nhận khi tiếp nhận Đoạn trường tân thanh.

Sự vận dụng và tầm ảnh hưởng của “Đề cương văn hóa Việt Nam” trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp

Võ Văn Nhơn & Nguyễn Thị Phương Thúy
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.705
Tóm tắt | PDF (7.6M)

Tóm tắt

Đề cương văn hóa Việt Nam do Trường Chinh soạn thảo năm 1943 có tính chất như một cương lĩnh văn hóa cách mạng kể từ khi ra đời cho đến ngày nay. Tuy nhiên, khả năng vận dụng và tầm ảnh hưởng của nó khác nhau tùy vào từng giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh thực tiễn cụ thể. Bài viết này trình bày thực tiễn vận dụng và tầm ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ thể là sự tiếp thu, vận dụng Đề cương trong những hoạt động do Đảng Cộng sản lãnh đạo, và sự ảnh hưởng tự phát của nó đến văn đàn đô thị giai đoạn 1945-1954 vốn vẫn nằm trong sự kiểm soát của thực dân Pháp. Từ đó, bài viết cho thấy sự tiếp thu, hưởng ứng mãnh liệt của giới văn nghệ sĩ đối với Đề cương văn hóa Việt Nam cũng như tầm ảnh hưởng rộng khắp và khả năng gây tranh luận sôi nổi của nó trong một giai đoạn đấu tranh cách mạng đầy cam go của dân tộc.

Giá trị những vần thơ viết từ ngục Kon Tum

Lê Đắc Tường & Đinh Thị Thanh Thảo
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.701
Tóm tắt | PDF (6M)

Tóm tắt

Ngục Kon Tum được ví là địa ngục trần gian, nơi giam cầm những chiến sĩ cộng sản đầu tiên ở Tây Nguyên. Chính tại đây, trong áp bức tù đày, những người tù cộng sản đã cất lên những vần thơ hào hùng, tiêu biểu là phong trào sáng tác Tao đàn ngục thất. Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, số lượng tác giả, tác phẩm không nhiều, nhưng những vần thơ được cất lên từ chốn lao tù mang giá trị nhiều mặt. Thể thơ đa dạng, ngôn ngữ mộc mạc, những vần thơ là lời tố cáo đanh thép trước tội ác của kẻ thù, thể hiện tinh thần yêu nước, tình đồng đội, bản lĩnh kiên cường và tinh thần lạc quan của người tù cộng sản. Bài viết bước đầu tìm hiểu, cảm nhận tiếng lòng của các chiến sĩ cách mạng, qua đó khẳng định giá trị, vị thế của những vần thơ viết từ ngục Kon Tum. Đồng thời, góp phần hoàn thiện thêm diện mạo cho dòng văn học được sáng tác trong lao tù của Việt Nam

“Lai ghép” - Sự tạo sinh các dạng thức văn hóa mới: Trường hợp Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí

Trần Thị Tươi
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.707
Tóm tắt | PDF (8.8M)

Tóm tắt

Trong bối cảnh xung đột giữa văn hóa Đông - Tây và truyền thống - hiện đại đầu thế kỷ XX, Phạm Quỳnh là một trong những trí thức đương thời để lại dấu ấn sâu đậm trong cách thức tiếp cận nền văn hóa mới của mình với chủ trương lai ghép văn hóa. Dựa trên khái niệm“Lai ghép” (Hybridity) một trong những khái niệm chủ chốt của lý thuyết hậu thực dân, bài viết tập trung nghiên cứu chủ trương lai ghép văn hóa ở Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí với những đề xuất như: điều hòa tân - cựu, thổ nạp Á - Âu, kết hợp đạo đức Đông Á với khoa học Tây Âu, xây dựng một nền quốc văn mới trên tinh thần hợp nhất Đông - Tây, kết hợp cái đẹp Hán văn với cái đẹp Pháp văn… Qua đó, có thể thấy đã có lúc “lai ghép” được xem như một ưu tiên lựa chọn không chỉ ở Phạm Quỳnh mà còn ở nhiều trí thức thuộc địa lúc bấy giờ.

Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải

Lê Thị Gấm
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.700
Tóm tắt | PDF (8.1M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này tiếp cận tiểu thuyết lịch sử Việt Nam - trường hợp Hoàng Quốc Hải - dưới ánh sáng lý thuyết diễn ngôn. Bài viết sử dụng phương pháp lịch sử - văn hóa, phương pháp so sánh nhằm xác định thông điệp diễn ngôn, mô hình trần thuật, giá trị của tác phẩm. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý kiến tạo lịch sử như là hành trình hưng vong các triều đại. Tác phẩm xây dựng nội dung và cấu trúc trần thuật trên lập trường lợi ích quốc gia gắn với vai trò triều đình. Điểm tựa tạo nghĩa của tác phẩm là mẫu gốc “Cha”, trên đó nghiêng trọng tâm truyện về vai trò của bậc sinh thành, quân trưởng, quân sư với thành tựu lịch sử. Tác phẩm của Hoàng Quốc Hải tiêu biểu cho mô hình kiến tạo diễn ngôn tiểu thuyết - truyền thuyết. Tuy không cách tân nhưng tác phẩm của Hoàng Quốc Hải với lớp chuyện kể sinh động, thấm đẫm hào khí vẫn luôn được người đọc yêu mến, được khẳng định vị trí, giá trị của văn học với đời sống

Cuộc đời và thi ca của Ni trưởng Huỳnh Liên

Thích Phước Đạt
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.830
Tóm tắt | PDF (7.2M)

Tóm tắt

Ni trưởng Huỳnh Liên là người được sinh ra trong thời thực dân Pháp độ hộ, trưởng thành trong cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam. Cả cuộc đời tu đạo và hành đạo, ni trưởng Huỳnh Liên đã làm rạng danh Ni đoàn Khất sĩ. Rất nhiều đồ chúng xuất gia và tại gia đã, đang nối tiếp theo Người. Ni trưởng Huỳnh Liên còn là nhà thơ, những bài thơ được tập hợp và in trong thi phẩm Đoá sen thiêng được nhiều người yêu mến. Bài viết này tập trung giới thiệu cuộc đời và đặc điểm thi ca của Ni trưởng Huỳnh Liên.

Ẩm thực trong văn học dân gian người Việt

Đặng Quốc Minh Dương
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.699
Tóm tắt | PDF (7.5M)

Tóm tắt

Văn học dân gian mang tính nguyên hợp nên lưu giữ nhiều dấu vết của văn hóa Việt, trong đó có văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về yếu tố ẩm thực trong văn học dân gian. Vì vậy, thông qua việc phân tích văn hóa ẩm thực trong các thể loại văn học dân gian như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, ca dao, tục ngữ, … ở những khía cạnh khác nhau như nguồn gốc thức ăn; ẩm thực với anh hùng, bậc kỳ tài; về cái đói và giấc mơ no đủ; về chuyện miếng ăn là miếng nhục và miếng ăn là tất cả cuộc sống, bài viết kỳ vọng khám phá thêm những hiểu biết về những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc được thể hiện thông qua văn hóa ẩm thực.

Ý thức giới trong tiểu thuyết “Những con chim ẩn mình chờ chết” (The thorn birds) của Colleen McCullough

Hà Minh Châu
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.703
Tóm tắt | PDF (7.1M)

Tóm tắt

Colleen McCullough được xem là một trong những nhà văn nữ tích cực, bền bỉ đứng trên văn đàn đấu tranh cho nữ quyền. Tiểu thuyết Những con chim ẩn mình chờ chết của nữ văn sĩ mang đậm dấu ấn về ý thức giới. Qua các nhân vật trung tâm của tác phẩm, bài viết tìm hiểu những biểu hiện cụ thể: ý thức kiêu hãnh với vẻ đẹp thiên tính nữ, ý thức bày tỏ nhu cầu, khát khao về tình yêu, hạnh phúc và chủ động hiến dâng, ý thức khẳng định tiếng nói, cá tính trong các mối quan hệ. Nhận diện ý thức về giới trong tác phẩm, bài viết góp thêm một hướng tiếp cận để hiểu hơn thông điệp của tác phẩm.

Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” của Mikhail Bulgakov trong tương quan với khuynh hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thời kỳ Xô viết

Nguyễn Thị Tuyết
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.727
Tóm tắt | PDF (8M)

Tóm tắt

Mikhail Bulgakov là một trong những nhà văn phi chính thống xuất sắc của văn học Nga - Xô viết giai đoạn 1920-1940; tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” được xem là một trong những kiệt tác của văn học nhân loại thế kỷ XX. Sử dụng phương pháp đối chiếu, bài viết khảo sát tác phẩm bất hủ của Bulgakov trong mối tương quan với dòng văn học chính thống đương thời, khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, ở một số đặc trưng như tính chân thực, loại hình nhân vật và giọng điệu,... Kết quả nghiên cứu cho thấy “Nghệ nhân và Margarita” là một kiểu nhại văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm không chỉ giải cấu trúc các mô hình xã hội toàn trị mà còn ẩn chứa những quan niệm triết học, mỹ học, tôn giáo, nghệ thuật sâu sắc vượt lên mọi thời đại. Tài năng và tư tưởng của Bulgakov vốn bị những giới hạn của xã hội đương thời phong tỏa, ngày nay, đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật chân chính.

Tiếp cận “Bình địa trong lửa” của Juan Rulfo từ phê bình cảnh quan

Lê Ngọc Phương
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.715
Tóm tắt | PDF (8M)

Tóm tắt

Juan Rulfo là nhà văn Mexico, có sức ảnh hưởng lớn đến những người đương thời và hậu bối, mặc dù sáng tác của ông không hề phong phú. Di sản của ông để lại bao gồm tập truyện Bình địa trong lửa và cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo. Bài viết lựa chọn nghiên cứu tác phẩm Bình địa trong lửa của Juan Rulfo từ lý thuyết phê bình cảnh quan để thấy được vấn đề môi trường, cảnh quan, một điều mà nhà văn người Mexico luôn trăn trở. Cảnh quan hoang tàn, cảnh quan chết, đột biến cảnh quan, không gian bị bỏ lại trong tập truyện ngắn Bình địa trong lửa ẩn dụ cho tình trạng bị bỏ mặc của con người và sự suy vong của xã hội. Từ mối quan hệ giữa cảnh quan với con người, nghiên cứu sẽ phân tích một số căn nguyên xã hội dẫn đến tình trạng đó: chế độ ruộng đất, nạn địa chủ tham nhũng thâu tóm quyền lực ở địa phương, tình trạng chiến tranh, bạo lực đẩy con người vào tội lỗi.

Tác phẩm “Tùy Viên thi thoại” của Viên Mai từ góc nhìn phê bình nữ quyền nữ quyền

Phạm Phi Na
Bản điện tử: 05 Th09 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.4.2023.687
Tóm tắt | PDF (7.2M)

Tóm tắt

Viên Mai, nhà thơ, nhà phê bình thơ nổi tiếng đời Thanh với tác phẩm Tùy Viên thi thoại. Tập thi loại thể hiện nhiều điểm quan trọng và tiến bộ của ông trong việc làm thơ, thưởng thức thơ. Trong đó nhiều chỗ ông bàn về thơ nữ. Vận dụng lý thuyết phê bình nữ quyền và phương pháp phân tích - tổng hợp, bài viết làm rõ tư tưởng của Viên Mai đối với nữ thi nhân. Trong Tùy Viên thi thoại, Viên Mai không những có cách nhìn cởi mở, công bình về thơ nữ, mà còn đề cao, trân trọng thi tài và khẳng định bản lĩnh, khí chất của các nhà thơ nữ. Từ đó bài viết đi đến khẳng định tư tưởng tiến bộ cũng như tinh thần nhân văn của tác giả khi nhìn về thơ nữ.