Ngày xuất bản: 2022-03-10

Hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” của Nguyễn Vũ Điền dưới góc nhìn phân tâm học

Phạm Khánh Duy
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.7538
Tóm tắt | PDF (1.3M)

Tóm tắt

Phê bình phân tâm học là một trong những hướng nghiên cứu nổi bật trên thế giới. Dưới góc nhìn phê bình phân tâm học, hồi ký Rừng khộp mùa thay lá đã thể hiện rất rõ những ám ảnh của Nguyễn Vũ Điền về chiến tranh, tính dục và tâm linh thông qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Nhà văn đã ghi lại sự khốc liệt của một thời đã qua, nói lên tâm tư tình cảm của riêng mình khi tham gia vào đội quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường K. Bằng phương pháp phân tích, so sánh, bài viết đã làm sáng tỏ những ám ảnh của Nguyễn Vũ Điền trong hồi ký Rừng khộp mùa thay lá. Nghiên cứu này phần nào giải mã được cái Tôi tác giả, khẳng định giá trị của hồi ký Rừng khộp mùa thay lá trong dòng văn học chống Pol Pot.

Cảm thức cô đơn thân phận trong thơ Hoài Khanh

Bùi Quang Khải
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.7544
Tóm tắt | PDF (455.3K)

Tóm tắt

Thơ Hoài Khanh xuất hiện trên thi đàn văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Thơ ông là niềm ám ảnh về sự hiện hữu của con người trước cuộc đời, khởi nguồn từ sự cô đơn. Đó là tiếng kêu đau đớn của con người, bơ vơ trong tình yêu, lạc loài trước một thế giới đổ vỡ, dị biệt. Có lẽ hồn thơ của thi nhân vốn đã có sự tương đồng với trào lưu triết học hiện sinh. Vì thế thơ Hoài Khanh mang cảm thức cô đơn thân phận.

Tính dân tộc trong văn học nghệ thuật hiện đại

Nguyễn Thị Tuyết
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.8109
Tóm tắt | PDF (489.8K)

Tóm tắt

Tính dân tộc thường được xem là nét đặc trưng trong văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. Song bản sắc ấy không hoàn toàn là nhất thành bất biến mà là sản phẩm được lịch sử kiến tạo. Trải qua thời gian, quan niệm về dân tộc thay đổi, nên nội hàm của tính dân tộc trong văn chương nghệ thuật cũng thay đổi. Nguy cơ đồng hóa trong thời đại toàn cầu được phản ánh trong sự vận động và thay đổi của các yếu tố cấu thành nên mỗi chỉnh thể nghệ thuật hiện đại như thể loại, ngôn ngữ, tâm lý, tính cách của kiểu nhân vật trung tâm,... Song, với vai trò vừa là màng lọc văn hóa, vừa tự tái cấu trúc bản sắc trong quá trình tiếp biến văn hóa ngoại lai, tính dân tộc giúp văn học nghệ thuật phản ánh được hiện trạng tinh thần của từng quốc gia dân tộc, đồng thời, làm cho bức tranh nghệ thuật của nhân loại ngày càng phát triển đa dạng và hiện đại.

Tiếp nhận “Truyện Kiều” ở Nam Bộ qua khảo sát trường hợp phó phẩm “Kim Vân Kiều ca”

Nguyễn Thanh Phong
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.7545
Tóm tắt | PDF (510K)

Tóm tắt

“Kim Vân Kiều ca” là một trong những “phó phẩm” quan trọng của “Truyện Kiều” ra đời ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Đây được xem là bản tóm tắt ngắn gọn bằng văn vần kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Tác giả của phó phẩm này có thể là một nhà nho đặc biệt yêu thích “Truyện Kiều”, lại am tường phương ngữ và tâm lý tiếp nhận văn học của người Nam Bộ. “Kim Vân Kiều ca” đã không chỉ làm chiếc cầu nối cho đông đảo công chúng bình dân miền Nam tiếp cận kiệt tác văn học đỉnh cao về nghệ thuật diễn ngôn của dân tộc, mà còn góp phần truyền bá sâu rộng câu chuyện cuộc đời nàng Kiều ở vùng đất này. Thông qua việc khảo sát phó phẩm “Kim Vân Kiều ca”, bài viết giới thiệu đến bạn đọc một khuynh hướng tiếp nhận “Truyện Kiều” thú vị ở Nam Bộ.

Bước đầu tìm hiểu về Robinsonade như một khái niệm mang tính lý thuyết và lịch sử văn học

Nguyễn Thi Phú
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.8108
Tóm tắt | PDF (519.4K)

Tóm tắt

Tiểu thuyết Robinson Crusoe (1719) của Daniel Defoe đã tạo ra những ảnh hưởng đến đời sống văn học thế giới. Một trong những ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết này đến hậu thế là tạo ra nguồn cảm hứng về kiểu truyện đảo hoang cho những nhà văn hậu bối. Trong giới nghiên cứu văn học Âu-Mỹ, “Robinsonade” là một khái niệm được sử dụng để gọi những tác phẩm có cấu trúc tương tự như Robinson Crusoe của Defoe. Ở Việt Nam, thuật ngữ này vẫn ít được biết đến và chưa được giới thiệu rộng rãi. Trong bài viết này, trong giới hạn của mình, chúng tôi giới thiệu về Robinsonade như một khái niệm mang tính lý thuyết và lịch sử văn học.

Hệ biểu tượng trong Con nhân mã ở trong vườn của Moacyr Scliar dưới ánh sáng phân tâm học

Nguyễn Thị Thu Giang
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.8104
Tóm tắt | PDF (629.4K)

Tóm tắt

Moacyr Jaime Scliar (1917 - 2011) là một nhà văn Mỹ Latinh nổi tiếng, các tác phẩm của ông tập trung vào các vấn đề về bản sắc Do Thái và đặc biệt là về người Do Thái ở Brazil. “Con nhân mã ở trong vườn” là quyển tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Có rất nhiều con đường để đi sâu khám phá tác phẩm độc đáo này, trong đó việc nghiên cứu hệ thống biểu tượng trong tác phẩm dưới góc nhìn phân tâm học là một gợi ý về cách đọc tiểu thuyết của Moacyr Scliar nói riêng, các tác phẩm của Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nói chung. Hệ thống biểu tượng trong “Con nhân mã ở trong vườn”, nếu nhìn dưới góc nhìn phân tâm học, tương ứng với cuộc đời mà chàng nhân mã trẻ tuổi Guedali đã trải qua rất giống với trình tự ba cấp độ: cái nó, cái tôi và cái siêu tôi trong cấu trúc tâm thần của con người. Thông qua cuộc đấu tranh giữa bản năng và lý trí cùng với hành trình tìm lại bản ngã của nhân vật chính, tác phẩm đã thể hiện cái khát khao được chấp nhận những khiếm khuyết của bản thể để hòa nhập trong cộng đồng cũng như khát vọng tự do bất diệt của con người.

Âm nhạc Nhật bản thời Heian qua truyện Genji của Murasaki Shikibu

Trần Thị Huệ
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.8111
Tóm tắt | PDF (751K)

Tóm tắt

Nói đến văn học Nhật Bản hoàn mỹ nhất phải gọi tên kiệt tác “Genjimonogatari” (Truyện Genji) của nữ thi nhân Murasaki Shikibu sáng tác vào đầu thế kỷ XI, tác phẩm xoay quanh cuộc sống của một đại quý tộc trong cung đình Heian, Hoàng tử Genji. Được mệnh danh là kiệt tác bởi nội dung mà tác phẩm chứa đựng vượt ra khỏi khuôn khổ đơn thuần theo nghĩa văn học, mà đây chính là cuốn “từ điển” trọn vẹn nhất xét trên khía cạnh văn hóa của Nhật Bản, tất cả những lĩnh vực văn hóa từ vật chất đến tinh thần của thời kỳ Heian được truyền đạt đầy đủ qua ngòi bút lôi cuốn của tác giả. Trong đó, âm nhạc là phương diện được tô vẽ kỹ lưỡng hơn cả, nói đúng hơn là âm nhạc cung đình - âm nhạc dành cho tầng lớp thượng lưu trong hoàng cung thời bấy giờ. Những thuật ngữ âm nhạc được biết đến rộng rãi cũng được lưu giữ trong áng văn chương vĩ đại này, đặc biệt là Gagaku (Nhã nhạc), bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các loại nhạc cụ, bài ca, điệu nhảy,... mang âm hưởng hoàng gia mà ngày nay vẫn được biểu diễn và thưởng thức.

Nghiên cứu hành vi mua ngẫu hứng tại sân bay Tân Sơn Nhất

Hà Nam Khánh Giao
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.8101
Tóm tắt | PDF (408K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích tương tác giữa khuynh hướng mua ngẫu hứng, việc xem lướt và mua ngẫu hứng trong môi trường sân bay Tân Sơn Nhất. Dữ liệu thu thập từ 166 đáp viên đã mua hàng tại sân bay, bằng bảng câu hỏi cấu trúc. Phân tích hồi quy, t-test và ANOVA được sử dụng để kiểm định mô hình đề xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù khuynh hướng mua ngẫu hứng có tác động ngược chiều mua ngẫu hứng, tuy nhiên, người có khuynh hướng mua ngẫu hứng cao thì có ý định xem lướt nhiều hơn. Từ đó, hành động xem lướt là rất phổ biến tại sân bay, nhưng không hẳn sẽ dẫn đến mua ngẫu hứng. Điều này gợi mở nhiều ứng dụng cho những nhà bán lẻ sân bay.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng tổ yến khai thác trong nhà dẫn dụ - Trường hợp tại An Giang

Trương Văn Tấn
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.7550
Tóm tắt | PDF (522.3K)

Tóm tắt

Trong những năm gần đây hoạt động xây nhà dẫn dụ chim yến tự nhiên vào sinh sống để khai thác tổ phát triển khá mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản lượng tổ yến khai thác từ nhà dẫn dụ đóng góp ngày càng nhiều vào tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Nghiên cứu với mục đích xác định các yếu tố ảnh hưởng sản lượng tổ yến khai thác trong nhà dẫn dụ. Sử dụng phương pháp định lượng, nguồn số liệu phân tích được thu thập trực tiếp từ 90 hộ có hoạt động xây nhà dẫn dụ chim yến, nghiên cứu chọn mẫu xác suất có hệ thống và hoàn thành thu thập thông tin vào tháng 01/2021. Thông qua mô hình Tobit, xác định có 03 yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng tổ yến khai thác trong nhà dẫn dụ là diện tích nhà dẫn dụ, chi phí đầu tư, số năm khai thác. Kết quả nghiên cứu sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị trong hoạt động xây nhà dẫn dụ chim yến.

Đo lường chất lượng dịch vụ đào tạo và sự hài lòng của sinh viên Trường Đại học Văn Hiến

Nguyễn Duy Cường
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.7522
Tóm tắt | PDF (428.9K)

Tóm tắt

Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu về thang đo chất lượng dịch vụ, nghiên cứu này đã lựa chọn thang đo HEDPERF để đo lường chất lượng đào tạo và sự hài lòng của sinh viên thông qua khảo sát 292 sinh viên vừa tốt nghiệp đại học chính quy trường Đại học Văn Hiến. Các phương pháp thống kê mô tả, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích tương quan và phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên là nhân tố “học thuật” và “sự tin cậy, đồng cảm”. Trong đó, khía cạnh sự tin cậy, đồng cảm là nhân tố có mức độ ảnh hưởng mạnh nhất đến sự hài lòng của sinh viên.

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình học kỳ doanh nghiệp tại Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Hiến

Nguyễn Thị Diễm Tuyết; Ngô An, Lư Nguyễn Xuân Thanh & Ngô Xuân Hào
Bản điện tử: 10 Th03 2022 | DOI: 10.58810/vhujs.8.1.2022.7515
Tóm tắt | PDF (590K)

Tóm tắt

Từ năm 2019, trường Đại học Văn Hiến đã áp dụng học kỳ doanh nghiệp (HKDN) cho bốn khoa, trong đó có Khoa Du lịch với hai chuyên ngành: Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, nhằm mang lại lợi ích cho sinh viên, giảng viên, nhà trường và doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện học kỳ doanh nghiệp, bên cạnh những kết quả đạt được, đã xuất hiện nhiều bất cập, khó khăn về chất lượng sinh viên tham gia, công tác tổ chức, quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và cán bộ hướng dẫn sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ, khen thưởng, đánh giá sinh viên thực tập. Trên cơ sở số liệu khảo sát các bên liên quan, áp dụng các phương pháp phân tích, tham khảo các tư liệu về học kỳ doanh nghiệp đã công bố và kinh nghiệm thực tế của nhóm tác giả, bài viết tập trung phân tích thực trạng thực hiện học kỳ doanh nghiệp của Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Hiến và đề xuất giải pháp giải quyết những tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả chương trình này nhằm áp dụng trong những năm sắp đến.