Ngày xuất bản: 2023-06-06

Áp dụng ma trận phân tích tầm quan trọng-hiệu quả (IPMA) trong xây dựng mô hình thu hút đầu tư cho Thành phố Hồ Chí Minh

Huỳnh Đặng Bích Vy, Lê Khoa Nguyên & Lê Giang Phương Bình
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.365
Tóm tắt | PDF (1.2M)

Tóm tắt

Thu hút đầu tư đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi địa phương vì môi trường thân thiện với doanh nghiệp tạo ra cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng mức thu nhập và phúc lợi cho người dân địa phương, từ đó quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 100 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Mô hình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM) được thực hiện để đánh giá đồng thời mô hình đo lường và mô hình cấu trúc. Ma trận tầm quan trọng - hiệu quả (IPMA) cũng được phân tích. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định vai trò truyền thống của cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đối với việc thu hút đầu tư vào địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy chính sách và dịch vụ công, môi trường làm việc và thu hút xuất khẩu không có tác động có ý nghĩa thống kê đến việc thu hút đầu tư vào TP.HCM. Bên cạnh đó, kết quả phân tích IPMA cho thấy hiệu quả thực hiện của cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở TP.HCM chỉ ở mức 50 -75%. Điều này làm cơ sở để đề xuất các hàm ý chính sách cho việc ưu tiên phát triển hơn nữa hai yếu tố: cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại TP.HCM.

Nghiên cứu sự gắn kết với cơ quan làm việc của nữ công chức viên chức khối hành chính sự nghiệp tại tỉnh Cà Mau

Khưu Thị Phương Đông, Khổng Tiến Dũng, Nguyễn Minh Đức, Diệp Thị Mai Trâm & Phạm Minh Đoan
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.284
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu sự gắn kết và động lực làm việc của nữ công chức viên chức trong khối hành chính sự nghiệp tại tỉnh Cà Mau. Dựa trên số liệu phỏng vấn trực tiếp 200 nữ công chức, viên chức trên địa bàn nghiên cứu, phương pháp thống kê mô tả, thang đo Likert và phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng nhằm tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết này. Kết quả phân tích số liệu chỉ ra có bảy nhân tố tác động cùng chiều với sự gắn kết của nữ công chức viên chức gồm bản chất công việc, lãnh đạo, cơ hội đào tạo và thăng tiến, điều kiện làm việc, đồng nghiệp, thu nhập và phúc lợi. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị được đề xuất nhằm nâng cao mức độ gắn kết của nhân viên trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp gồm khuyến khích và tạo nhiều điều kiện hơn cho nhân viên nữ, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức nhằm gỡ bỏ những định kiến và rào cản văn hóa tồn tại đối với nữ giới. Ngoài ra, việc xây dựng môi trường văn hóa công sở cho thấy nhân viên nhận được sự hỗ trợ, tôn trọng và tin cậy từ lãnh đạo là hết sức cần thiết.

Nghiên cứu ý định tiêu dùng thực phẩm xanh của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Giang Châu & Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.686
Tóm tắt | PDF (860.2K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung vào xác định các yếu tố tác động đến ý định tiêu dùng thực phẩm xanh của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (HCMC). Dựa trên mô hình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM) và ma trận tầm quan trọng và hiệu quả (IPMA), mô hình được kiểm định với bộ dữ liệu 200 quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan tâm về môi trường, chất lượng dịch vụ và ý thức về sức khỏe có tác động tích cực đối với ý định tiêu dùng thực phẩm xanh. Ngược lại, mối quan hệ giữa niềm tin vào nhãn hiệu, giá cả sản phẩm và ý định tiêu dùng thực phẩm xanh lại không có ý nghĩa thống kê. Bên cạnh đó, kết quả phân tích IPMA cho thấy yếu tố chất lượng dịch vụ là yếu tố được thực hiện kém hiệu quả nhất cho dù có tầm quan trọng cao nhất đối với ý định tiêu dùng. Vì vậy, các kiến nghị được đưa ra tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm khuyến khích ý định tiêu dùng thực phẩm xanh của người dân.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó với công việc của hướng dẫn viên nội địa tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bùi Phi Tiễn & Nguyễn Bảo Xia
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.369
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó với công việc của hướng dẫn viên nội địa (HDVNĐ) thông qua khảo sát trực tiếp 227 HDV nội địa đang làm việc ở các công ty du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy bốn nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự gắn bó công việc của HDV nội địa là: (1) Cơ hội đào tạo và phát triển; (2) Lương và phúc lợi; (3) Mối quan hệ với đồng nghiệp; và (4) Đối tượng khách hàng, với nhân tố có tác động nhiều nhất là “Cơ hội đào tạo và phát triển”. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu giúp cho các chuyên gia của các công ty du lịch xác định được các nhân tố tác động đến sự gắn bó công việc của hướng dẫn viên, qua đó đưa ra các giải pháp cần thiết và phù hợp để nâng cao sự gắn kết với doanh nghiệp của lực lượng HDV nội địa.

Hoạt động giải trí của thanh niên nông thôn trong quan hệ với “hiện đại hóa” và “tính hiện đại”

Nguyễn Thanh Tùng
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.375
Tóm tắt | PDF (922.5K)

Tóm tắt

Nông thôn Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều hoạt động giải trí hiện đại có sức hấp dẫn với thanh niên, điều đã thể hiện rằng sở thích và thị hiếu của họ ngày càng gần gũi với thanh niên đô thị. Bài viết này làm rõ các thành tựu nghiên cứu về mối quan hệ giữa hoạt động giải trí của họ với “hiện đại hóa” và “tính hiện đại” - hai khái niệm giải thích cho rất nhiều sự chuyển đổi của đời sống cư dân nông thôn ngày nay. Nếu như tiến trình “hiện đại hóa” tập trung vào khả năng cung cấp các cơ hội và lựa chọn giải trí mới và đa dạng cho thanh niên, thì “tính hiện đại” lại ảnh hưởng sâu sắc đến cách mà họ đến với các cơ hội và sự lựa chọn. Nói cách khác, “hiện đại hóa” cung cấp các phương tiện và điều kiện vật chất, còn “tính hiện đại” định hướng các giá trị, niềm tin của thanh niên trong hoạt động giải trí. Cả hai đều có thể tạo ra sự thuận lợi, song ít nhiều cũng gây ra áp lực buộc thanh niên phải thay đổi hay thích ứng. Giải trí của thanh niên, do vậy, phản ánh nội hàm rộng lớn của cái gọi là “tính hiện đại” cũng như khả năng to lớn của “hiện đại hóa” trong việc làm thay đổi đời sống của con người.

Biến cố lịch sử 1954 và sự vận động, thay đổi của văn học miền Nam

Nguyễn Thị Thu Trang
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.373
Tóm tắt | PDF (914.5K)

Tóm tắt

Hiệp ước Genève 1954 đã chia cắt đất nước thành hai miền Nam và Bắc. Từ 1954 đến 1975, văn học miền Nam đã có nhiều khác biệt so với trước đó và so với miền Bắc cùng thời. Bài báo này trình bày khái lược về sự vận động, thay đổi của văn học miền Nam (chủ yếu là văn xuôi) về quá trình phát triển, thành tựu và đặc điểm văn học) từ sau dấu mốc 1954.

Vết thương của cái tôi hiện hữu trong thơ Trần Dạ Từ

Bùi Quang Khải
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.371
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Trần Dạ Từ là nhà thơ tiêu biểu trong văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Ông đã đem đến cho thi ca một phong cách nghệ thuật độc đáo của cái tôi hiện hữu cô đơn và kiêu hãnh. Vì vậy thơ Trần Dạ Từ có nét gần gũi với tư tưởng hiện sinh được thể hiện qua tập thơ đầu tay “Thủa làm thơ yêu em”. Bài viết tập trung nghiên cứu vết thương của cái tôi hiện hữu trong thơ Trần Dạ Từ nhằm khám phá vẻ đẹp tâm hồn thi nhân trong sự giao thoa giấc mơ và hiện thực, giữa quá khứ và hiện tại, ở các phương diện: (1) Vết thương của mộng tình tan vỡ; (2) Vết thương trên hành trình dấn thân.

Robinsonade trên màn ảnh Hàn Quốc: Trường hợp hai bộ phim Castaway on the moon và The larva island

Nguyễn Thi Phú
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.391
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Thuật ngữ “Robinsonade” là một thể loại văn học để chỉ các tác phẩm trong văn học Âu-Mỹ có nhân vật đi biển bị kẹt trên đảo hoang. Không chỉ dừng lại ở các sáng tác văn học, nhiều tác phẩm điện ảnh trên cũng được xây dựng theo cấu trúc của thể loại Robinsonade và được các nhà phê bình gọi là “Robinsonade điện ảnh” (filmic Robinsonade). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cấu trúc Robinsonade không chỉ xuất hiện trong điện ảnh phương Tây mà còn được thể nghiệm trong điện ảnh Hàn Quốc. Phương pháp chủ để học và liên văn bản được sử dụng trong bài viết nhằm phân tích những đặc trưng của thể loại Robinsonade trong hai bộ phim điện ảnh Hàn Quốc là Castaway on the moon (2009) và The larva island (2020). Nghiên cứu cho thấy chất Robinsonade được hiển lộ trong những tác phẩm này qua một số chủ đề then chốt như: bị biệt lập trên đảo hoang, sinh tồn trên đảo hoang và tái hòa nhập cộng đồng văn minh.

Shinden Zukuri - Nghệ thuật tạo hình độc đáo của Nhật Bản thời Heian

Trần Thị Huệ
Bản điện tử: 06 Th06 2023 | DOI: 10.58810/vhujs.9.1.2023.386
Tóm tắt | PDF (1.5M)

Tóm tắt

Kiến trúc Nhật Bản luôn định hướng nên phong cách của một thời đại, là biểu hiện của địa vị xã hội, và đặc biệt là có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên, bởi người Nhật xưa nay cho rằng sống trong thiên nhiên cũng là trong hoa. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, những biến động về chính trị, văn hóa, xã hội, và tôn giáo đều góp phần làm thay đổi tính biểu tượng và tư duy thẩm mỹ trong việc xây dựng nhà ở của người Nhật. Trong đó, Shinden Zukuri được biết đến là biểu tượng cho lối sống vương giả của Hoàng thất và quý tộc Heian, nó tôn vinh tất thảy những giá trị đời thường, dung dị nhưng cao quý, từ vật liệu xây dựng, kết cấu bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà, cách phối trí vật dụng, đến sự kết hợp với thiên nhiên, ... hài hòa một cách đáng kinh ngạc. Hoàng cung Heian chính là một kiểu mẫu điển hình theo lối Shinden Zukuri, là tác phẩm độc đáo, đậm chất cổ điển của nghệ thuật tạo hình chỉ có ở Nhật Bản. Bài viết trình bày về sự hình thành và phát triển của kiến trúc Shinden Zukuri, sơ lược sự xuất hiện của lối kiến trúc này ở Hoàng cung Heian. Đồng thời, mô tả về không gian nhà ở và kết cấu vườn cảnh để sáng tỏ những đặc trưng cơ bản của nó, và những ảnh hưởng nhất định của khía cạnh tôn giáo.