Ngày xuất bản: 2022-03-28

Nhìn lại ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trong văn học Đông Á thời cổ trung đại

Đinh Phan Cẩm Vân
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7411
Tóm tắt | PDF (3.1M)

Tóm tắt

Bài viết nhìn nhận lại vấn đề ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trong khu vực văn hóa đồng văn từ các hệ thống “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Từ đó thấy khả năng dẻo dai, ý thức độc lập của các nền văn học Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản; Văn học Đông Á thời cổ trung đại là một thực thể thống nhất trong đa dạng.

Tính thực tiễn trong giáo dục thơ Haiku: Nhìn từ sách giáo khoa ngữ văn Nhật Bản

Nguyễn Vũ Quỳnh Như
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7415
Tóm tắt | PDF (4.6M)

Tóm tắt

Ngày nay, trào lưu toàn cầu hóa, quốc tế hóa ngày càng diễn ra sôi động kéo theo sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại. Điều này dễ khiến dẫn đến khuynh hướng tiêu cực khi học môn văn học cổ điển, thường bị xem là môn “khó hiểu”, “nhàm chán”, “cổ xưa”, “không hữu ích sau khi ra trường”. Trước bối cảnh đó, bài viết khảo sát nhiều sách giáo khoa Ngữ văn được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học trong khoảng 10 năm gần đây để tìm hiểu việc giảng dạy và học tập thơ Haiku trong sách giáo khoa như thế nào để thiết thực hơn khi đối mặt với những thách thức như thế.

Xu hướng lai ghép các diễn ngôn trần thuật “nguồn” trong văn xuôi tự sự

Nguyễn Thành Thi
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7401
Tóm tắt | PDF (5.3M)

Tóm tắt

Vận dụng quan điểm của Bakhtin về “thể loại lời nói”, quan điểm của Tyupa về “chiến lược giao tiếp”, “các diễn ngôn trần thuật “nguồn” của văn học”, bài viết lập luận và khẳng định rằng: tác phẩm văn xuôi hư cấu có thể được kiến tạo dựa trên sự lai ghép một số diễn ngôn trần thuật “nguồn”, theo quy luật vận động tương tác thể loại.

Trở lại vấn đề quan hệ “Kim Vân Kiều truyện” và “Truyện Kiều” từ tư liệu Hán Nôm Việt Nam

Đoàn Lê Giang
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7407
Tóm tắt | PDF (2.9M)

Tóm tắt

Trong lời tựa bản dịch Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử 金雲翹青心才子của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, (Nha Văn hóa, Sài Gòn, 1971) có đưa ra một nghi vấn là phải chăng Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 của Thanh Tâm Tài Tử “là của một nhà nho Việt Nam về sau đã dựa theo cuốn thơ Đoạn trường tân thanh mà soạn thảo, chứ không phải gốc ở bên Tàu.” Với thành quả sưu tầm, khảo cứu các văn bản còn nằm trong các văn khố trong và ngoài nước suốt mấy chục năm qua, vấn đề tưởng đã được giải quyết xong. Thế nhưng vấn đề ấy lại được đặt ra gần đây. Trong những bài viết trước chúng tôi có giới thiệu một số tài liệu mới sưu tầm ở Nhật Bản để chứng minh Kim Vân Kiều truyện có trước Truyện Kiều. Bài viết này chúng tôi tìm về các tư liệu Hán Nôm thế kỷ XVIII-XIX để chứng minh các nhà nho Việt Nam từ lâu đã nói đến việc Truyện Kiều được sáng tác trên bản nguồn Kim Vân Kiều truyện.

Cảm quan Thiền Phật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Công Lý
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7408
Tóm tắt | PDF (1.6M)

Tóm tắt

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một bậc chân Nho mà còn là một Phật tử thuần thành, một thiền gia ít nhiều đã thực hành và am hiểu về Thiền Phật. Bài viết này sẽ trình bày rõ cảm quan Thiền Phật được thể hiện trong thơ của ông.

Vị Thiền trong “Mộng Ngân Sơn ” của Quách Tấn

Lê Đắc Tường
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7405
Tóm tắt | PDF (2.3M)

Tóm tắt

Trong quá trình hình thành và phát triển văn học Việt Nam, dấu ấn của thiền khá sâu đậm, đặc biệt là trong văn học thời Lý - Trần. Bước qua giai đoạn văn học hiện đại, tuy sự ảnh hưởng này không còn sâu sắc nhưng thiền vẫn hiện diện trong đời sống văn học. Mộng Ngân Sơn của Quách Tấn là một trong những tập thơ tiêu biểu cho sự lan tỏa của thiền trong văn học hiện đại.

Sự thay đổi quan niệm về LGBT trong xã hội Việt Nam đương đại - trường hợp tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn

Nguyễn Thị Quốc Minh
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7403
Tóm tắt | PDF (4M)

Tóm tắt

Xuất phát từ xã hội Á Đông, ở Việt Nam trước đây cách nhìn về LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới) vẫn còn mang nhiều định kiến, kỳ thị, người ta coi LGBT là một dạng bệnh hoạn, khiến những người LGBT dễ bị xa lánh, xúc phạm. LGBT từ chỗ là chủ đề cấm kỵ trong văn học nghệ thuật, gần đây đã bắt đầu được nói tới, lúc đầu còn rụt rè, càng về sau càng mạnh mẽ, thẳng thắn hơn với những cây bút được nhiều người biết đến: Bùi Anh Tấn, Trần Thùy Mai, Vũ Đình Giang, Nguyễn Đình Tú, Thủy Anna, Nguyễn Ngọc Thạch, … trong đó Bùi Anh Tấn là người mở đầu và có nhiều thành công hơn cả. Những tiểu thuyết của anh như Một thế giới không có đàn bà, Les - vòng tay không đàn ông, … viết về cuộc sống, tình yêu của LGBT và cuộc đấu tranh của họ chống lại những định kiến xã hội đã trở thành một hiện tượng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, nhất là những người LGBT, một số cuốn đã trở thành bán chạy nhất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi vận dụng thuyết đồng tính và ý nghĩa của việc đọc/ phê bình đồng tính để chỉ ra sự thay đổi về thái độ, quan niệm về LGBT trong xã hội Việt Nam hiện nay qua tác phẩm của nhà văn Bùi Anh Tấn, chủ yếu qua hai tác phẩm trên. Mong muốn của chúng tôi là góp tiếng nói để mọi người nhận thức đúng hơn về LGBT, nhìn họ bằng một cái nhìn nhân văn hơn.

Tình hình sưu tầm và diện mạo văn học dân gian Vĩnh Long

La Mai Thi Gia, Phan Xuân Viện & Lê Thị Thanh Vy
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7410
Tóm tắt | PDF (4.7M)

Tóm tắt

Bài viết được thực hiện dựa vào kết quả sưu tầm điền dã văn học dân gian tại tỉnh Vĩnh Long trong hai đợt (năm 2013 và 2014, mỗi đợt 2 tuần) của giảng viên và sinh viên Khoa Văn học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Tp HCM. Tổng cộng số đơn vị tác phẩm mà chúng tôi thu được còn ở dạng thô lên đến 2.750 đơn vị, số cộng tác viên các nhóm tiếp xúc được trong toàn tỉnh 1.976 người. Sau khi lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý chúng tôi giữ lại được văn bản tác phẩm của các thể loại câu đố, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ma, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao và vè. Bài viết này tập trung giới thiệu những đặc trưng về diện mạo và số lượng, chất lượng các tác phẩm ở mỗi thể loại riêng biệt. Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn của chúng tôi về việc cần phải kịp thời sưu tầm, lưu giữ và xuất bản nguồn tư liệu văn hóa quý báu này của dân tộc từ tất cả các địa phương khác ở vùng Nam Bộ.

Thi pháp viết về cái thường nhật trong văn xuôi Dạ Ngân và Thiết Ngưng nhìn từ lý thuyết phê bình nữ quyền

Hồ Khánh Vân
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7402
Tóm tắt | PDF (3M)

Tóm tắt

Trên trang viết của hai nhà văn nữ Dạ Ngân (Việt Nam) và Thiết Ngưng (Trung Quốc), đời sống sinh hoạt ngày thường không chỉ hiện diện như là vùng đề tài được phản ánh mà còn trở thành một đặc trưng tư duy sáng tạo mang tính thi pháp. Hầu hết các nhà văn nữ thường xuyên đào sâu vào cuộc sống thường nhật ở cấp độ chi tiết, tỉ mỉ, vụn vặt; khai thác lặp đi lặp lại vùng hiện thực này, đồng thời, bộc lộ quan niệm, sự phản ứng của người nữ, nhất là những quan niệm và sự phản kháng thể hiện ý thức nữ quyền. Đóng góp của các nhà văn nữ trên phương diện này là sự phản ánh kỹ lưỡng, sâu sắc về hiện thực sinh hoạt hàng ngày của nữ giới, vốn là đối tượng hiện thực ít được chú ý miêu tả trong lịch sử văn học, nhất là trong sáng tác của các nhà văn nam. Vì vậy, nhà văn nữ đã điền thêm hiện thực của chính họ vào vùng trống của sáng tạo. Thêm vào đó, họ bộc lộ cái nhìn riêng biệt, xuất phát từ đặc thù giới của mình, tạo thành nhân sinh quan nữ giới về đời sống hàng ngày, rộng hơn nữa, về thiết chế đời sống, văn hóa, chính trị, xã hội, … Thi pháp viết về cái thường nhật đã dịch chuyển hiện thực ngày thường của nữ giới từ vị trí ngoại vi sang vị trí trung tâm của hiện thực được phản ánh trong văn học, đồng thời, kiến tạo vai trò chủ thể của nhà văn nữ trong vùng hiện thực này.

Tổng quan tình hình nghiên cứu nhân vật thần linh trong truyền thuyết Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc qua nguồn tài liệu tiếng Việt

Nguyễn Hữu Kim Duyên
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7409
Tóm tắt | PDF (3.7M)

Tóm tắt

Khảo lược tình hình nghiên cứu nhân vật thần linh ở Việt Nam và ba nước Châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn được coi là đồng văn đồng chủng, là công việc có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu văn hóa - văn học. Từ ý nghĩa cụ thể, vấn đề này cho chúng ta có được cái nhìn tổng quan về hệ thống các nhân vật thần linh trong truyền thuyết của Việt Nam cũng như các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; Vấn đề sẽ đưa chúng ta đến những suy luận, phân tích và đánh giá rộng hơn đó là về đặc điểm, bối cảnh văn hóa ở mỗi nước, những quan niệm của mỗi dân tộc về thế giới tâm linh, về phong tục tập quán, lối sống, về óc tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của họ. Từ đó, có thể thấy thần linh luôn giữ vai trò quan trọng trong truyền thuyết, trong đời sống văn hóa tinh thần, trong tâm thức của nhân dân Việt Nam nói riêng và hầu hết các nước Phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) từ thời cổ sử cho đến tận ngày nay.

Truyện ngắn Trần Quang Nghiệp và Maupassant: Những ảnh hưởng và sáng tạo

Trần Thị Mỹ Tiên
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7406
Tóm tắt | PDF (3.6M)

Tóm tắt

Trần Quang Nghiệp là cây bút xuất sắc hiếm có của nền văn học quốc ngữ Nam kỳ. Đặt vào bối cảnh văn học những năm đầu thế kỷ XX, truyện của Trần Quang Nghiệp là một biểu hiện của sự vận động phát triển đến trình độ hiện đại qua việc tiếp thu những thành tựu của truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX. Sự tiếp thu và sáng tạo của truyện Trần Quang Nghiệp được thể hiện qua hiện tượng phóng tác truyện ngắn của Maupassant theo xu hướng dân tộc hóa về mặt tư tưởng và đạo lý dựa trên nền tảng tinh thần, cách giải quyết mâu thuẫn, đối nhân xử thế của người Nam kỳ, địa phương hóa về mặt không gian và thời gian, nhân vật bám sát bối cảnh Nam kỳ. Truyện của ông giữ nguyên nội dung, ý tưởng của câu chuyện nhưng có khi thay đổi nhân vật cùng một số chi tiết nhằm giảm nhẹ tình tiết. Sự tiếp thu chọn lọc này đã khẳng định tài năng, bản lĩnh của một cây bút tiên phong trong buổi đầu tiếp nhận nền văn hóa phương Tây.

Quan điểm về tiếp nhận văn học của Lưu Hiệp (trong so sánh với phê bình phản hồi-độc giả)

Lê Thị Kim Loan
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7414
Tóm tắt | PDF (3.4M)

Tóm tắt

Nội dung của những nghiên cứu về lý luận văn học qua nhiều thế hệ, từ Đông sang Tây thường tập trung vào các vấn đề cơ bản: tác giả, tác phẩm và người đọc. Chính những điểm chung đã nối liền quan niệm/tư tưởng lý luận văn học Đông và Tây, cổ và kim bất chấp những khác biệt, tương phản. Bằng việc đối chiếu quan điểm về tiếp nhận văn học của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long” với một số luận điểm chính của khuynh hướng phê bình phản hồi – độc giả, trong bài viết này, chúng tôi sẽ chứng minh điểm tương đồng thú vị và từ đó làm nổi bật vai trò, sự tiến bộ vượt xa thời đại của Lưu Hiệp.

Roberto Bolaño và chủ đề về những nhà văn, nhà phê bình văn học (trong tác phẩm Đêm Chile và 2666)

Lê Ngọc Phương
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7412
Tóm tắt | PDF (5.5M)

Tóm tắt

Tác giả người Chile, Roberto Bolaño (1953-2003), là nhà văn tiêu biểu nhất của phong trào Hậu bùng nổ Mỹ Latin. Ông đã đạt được nhiều thành công và được biết đến rộng rãi không chỉ trong cộng đồng độc giả tiếng Tây Ban Nha mà còn cộng đồng tiếng Anh thế giới. Được đón nhận nồng nhiệt ở các nước châu Âu và Hoa Kỳ trong những thập niên 1900 và 2000, Roberto Bolaño đã nối tiếp truyền thống của Gabriel Garcia Márquez trong việc thể hiện và phân tích các chủ đề nổi bật của Mỹ Latin trong mối quan hệ với các khu vực khác. Trong các tiểu thuyết lớn nhất của mình, Bolaño thường xuyên khám phá chân dung đời sống văn học đương đại khi đối diện với nạn độc tài quân sự và với bạo lực tội ác thông qua các nhân vật nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học. Ông cũng cho thấy những nỗi trăn trở về vai trò người nghệ sỹ, về cảm hứng sáng tạo trong biến động chính trị, văn hóa ở Chile và các nước châu Mỹ, châu Âu khác. Trong bài báo này, chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu chủ đề này trong hai tiểu thuyết tiêu biểu: Đêm Chile và 2666.

Ma thuật, nhìn từ tiểu thuyết Trăm năm cô đơn (G.G. Marquez)

Nguyễn Thành Trung
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7413
Tóm tắt | PDF (3M)

Tóm tắt

Trong văn học nghệ thuật, ma thuật có quan hệ gần gũi với Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, cụ thể là trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, giải Nobel năm 1982 của Marquez. Vốn thường được tiếp nhận từ góc độ chính trị văn hóa, dưới góc nhìn ma thuật, tiểu thuyết Trăm năm cô đơn được khám phá mới theo con đường phê bình huyền thoại nghi lễ với hai nguyên lý tương đồng và tương cận của ma thuật trên các diện hình tượng, cấu trúc và mô hình quan niệm đời sống. Trên cơ sở này, bài viết xác định lại vai trò, quan hệ, hệ thống phân loại cũng như thành phần, tính chất cơ bản của ma thuật thông qua đối thoại ý kiến và minh chứng bằng tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Đây có thể xem như một nỗ lực xác định lại các vấn đề lý luận cơ bản của ma thuật với văn học nghệ thuật.

Tôi có một giấc mơ (Martin Luther King): Một mẫu mực của thể loại nghị luận ở trường Trung học phổ thông

Phạm Ngọc Lan
Bản điện tử: 09 Th11 2021 | DOI: 10.58810/vhujs.7.4.2021.7537
Tóm tắt | PDF (2M)

Tóm tắt

Bài viết trình bày đặc điểm của thể nghị luận trong hệ thống thể loại văn học và trong chương trình Ngữ văn 2018; từ đó, giới thiệu và lược dịch văn bản “Tôi có một giấc mơ” của Martin Luther King làm ngữ liệu để giảng dạy thể loại này. kèm một số gợi ý sơ lược để đọc hiểu, phân tích và giảng dạy văn bản này từ góc độ thể loại.